Giải pháp để làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển

Hiện một số làng nghề của TP.HCM hoạt động cầm chừng và chưa thật sự hiệu quả, do đó, cần triển khai các giải pháp tổng thể để các làng nghề tồn tại và đứng vững, tạo ra giá trị kinh tế và văn hóa đặc sắc của làng nghề.

TP.HCM hiện có 19 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 8 làng nghề thuộc đối tượng được bảo tồn và phát triển gồm: Làng nghề đan lát Thái Mỹ, bánh tráng Phú Hòa Đông, mành trúc Tân Thông Hội, đan giỏ trạc Xuân Thới Thượng, xe nhang Lê Minh Xuân, Làng nghề muối Lý Nhơn, hoa cây kiểng Xuân An Lộc, hoa kiểng Thủ Đức.

Trước thách thức đô thị hóa, để giúp các làng nghề có thể đứng vững, thành phố triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Từ đó, nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục phát triển, một số ngành nghề mới được mở mang, có ngành nghề thu hút tới 60% lao động địa phương như: làng nghề muối, bánh tráng; có ngành nghề giải quyết lao động thời vụ như nghề đan lát, đan giỏ. Hiện, 19 làng nghề của toàn thành phố thu hút trên 4.800 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho 14.300 lao động với mức thu nhập bình quân 37 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, nhiều sản phẩm của làng nghề có thể xuất khẩu và kim ngạch tăng bình quân 10%/năm.

Tuy nhiên, các làng nghề nông thôn hoạt động còn thiếu sự liên kết, thiếu đầu tư máy móc, kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm đơn điệu. Làng nghề cũng chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Mặt khác, lao động nông thôn chủ yếu là người lớn tuổi. Làng nghề cũng khó tiếp cận vốn ưu đãi do quy định về đất đai chưa cởi mở.

Ngoài ra, mặt hàng truyền thống vấp phải sự cạnh tranh của những mặt hàng cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm còn chậm. Hiện nay, cũng chưa có làng nghề nào có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả.

Để làng nghề tồn tại và phát triển, tạo bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cần thay đổi phương thức sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, các hội nghề hoặc liên kết giữa doanh nghiệp đầu đàn và các hội làng nghề làm vệ tinh để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường. Cùng với đó, đổi mới thiết kế và công nghệ nhằm phát huy các yếu tố truyền thống, bí quyết về vật liệu, công nghệ, kỹ thuật phù hợp nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương thực hiện quy hoạch làng nghề, có phương án xử lý ô nhiễm môi trường, giúp nông dân tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu làng nghề; hỗ trợ các mô hình ngành nghề nông thôn có hiệu quả, ứng dụng cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.

Ưu tiên hỗ trợ những làng nghề cần bảo tồn để thực hiện chính sách hỗ trợ, nâng cấp các hạng mục công trình xử lý chất thải cho làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn, tuyên truyền chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn.

PHÚC TẦN

Recommended For You