Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã có đoàn công tác đến tỉnh Cao Bằng phối hợp với địa phương lên phương án phòng chống dịch châu chấu tre lưng vàng.
Trước thông tin hàng vạn con châu chấu bất ngờ xuất hiện ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, đậu kín mặt tường lẫn đường đi, hiện tại thiệt hại khoảng 1-2ha ruộng ngô của bà con, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết đàn châu chấu này là đàn nhỏ, diện tích cây trồng bị châu chấu phá hoại nhiều đang ở Cao Bằng.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch An (Cao Bằng), từ đầu tháng 4 đến ngày 28/5, châu chấu gây hại hơn 87 ha cây trồng tại các xã: Minh Khai, Canh Tân, Quang Trọng và Kim Đồng.
Trên cây ngô, châu chấu gây hại với mật độ trung bình từ 80 – 100 con/m2, cục bộ 200 – 300 con/m2; trên đồi vầu và cỏ dại, châu chấu phát sinh gây hạt với mật độ trung bình 300 – 400 con/m2, nơi cao 500 – 600 con/m2.
Ngay khi phát hiện ổ dịch châu chấu, các xã huy động nguồn lực nhanh chóng phun phòng trừ châu chấu ở các xã có dịch.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các phòng, ban chức năng của huyện tăng cường công tác kiểm tra cây, cỏ dại ven sông, suối và cây trồng, phát hiện sớm các ổ dịch châu chấu non; phối hợp với các xã tổ chức phun thuốc diệt trừ các ổ dịch châu chấu kịp thời, khoanh vùng không để châu chấu phá hoại sang hoa màu, lây lan ra diện rộng. Đến nay, các địa phương phun thuốc phòng trừ được 40,6 ha bị nhiễm.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết thêm: “Theo thống kê của chúng tôi, diện tích tre vầu và cây trồng bị ảnh hưởng do đàn châu chấu tre lưng vàng tấn công ở Lạng Sơn khoảng 10ha, trong khi ở Cao Bằng diện tích cây trồng bị thiệt hại (chủ yếu là cây vầu) do nạn châu chấu tre lưng vàng đã lên đến 450ha”, ông Dương thông tin.
Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật vẫn đang chủ động phối hợp với các địa phương giám sát thật chặt chẽ các ổ dịch châu chấu tre lưng vàng để có các biện pháp phòng chống phù hợp.
“Ngay trong chiều 30/5, đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật sẽ lên Cao Bằng phối hợp với địa phương lên phương án phòng chống dịch châu chấu tre lưng vàng. Trước đó, UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã có báo cáo và khả năng tỉnh này sẽ công bố dịch. Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật sẽ đánh giá quy mô ổ dịch châu chấu tre lưng vàng có đủ điều kiện để công bố dịch hay không?”, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin thêm.
Về biện pháp phòng trừ châu chấu tre lưng vàng, ông Dương cho biết, chỉ có cách phun thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ.
“Thời điểm này, phun phòng trừ rất tốt do bộ cánh của châu chấu chưa phát triển hoàn thiện, nếu sang tháng 7, bộ cánh châu chấu hoàn thiện, tốc độ di chuyển nhanh hơn thì thiệt hại càng lớn, quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật không những giảm tác dụng mà còn ảnh hưởng nhiều đến môi trường”, ông Dương nhấn mạnh.
Về nguồn gốc đàn châu chấu tre lưng vàng có phải từ Trung Quốc bay sang không, ông Dương cho biết, đàn châu chấu tre là loài sinh vật gây hại vẫn xuất hiện hàng năm trong nội địa, là nhóm gây hại chủ yếu trên tre, nứa, vầu.
Ông Dương cho biết, để giảm thiểu những tác động lên môi trường, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ loài dịch hại này.
Đỗ Hương
* Hình bìa: Châu chấu tre lưng vàng là loài sống thành đàn, có sức tàn phá lớn đối với hoa màu, cây trồng của người dân, rất khó kiểm soát.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ