Giồng rau lang của má

Có một loại rau không bao giờ thiếu vắng ở khu vườn của má, đó là rau lang. Bất kể mưa dầm hay nắng hạn, giồng rau lang của má vẫn được chăm bẵm xanh tốt, không chỉ cho rau để chế biến món ăn bổ dưỡng, mà còn cho củ để làm nên những món đặc sản miền quê khiến ai đi xa cũng nhớ.

So với các loại rau xanh khác, rau lang rất dễ trồng. Có hai cách trồng, hoặc bằng củ hoặc bằng dây. Tuy nhiên, phổ biến nhất, thuận tiện nhất, và được má áp dụng từ xưa đến nay, là cách giâm dây.

Trước khi trồng, má sẽ chọn những đoạn thân dây rau lang bánh tẻ bò trên thân luống, chưa ra rễ và hoa, thẳng đẹp, khỏe mạnh, cắt thành từng đoạn dài từ 25-30cm, có từ 5-6 mắt thân, 3-4 lá ngọn.

Giâm dây khoai lang cũng có hai phương pháp. Nếu chỉ lấy ngọn và lá thì chỉ cần tạo luống rồi giâm dây xuống đất. Còn nếu vừa muốn lấy củ, vừa muốn có rau để ăn thì chịu khó vun giồng đất cao, độn thêm bên trong ít phân chuồng, phân xanh (bằng các loại cỏ, cây), sau đó tạo rãnh rồi mới giâm dây.

Ngày nhỏ, mấy chị em tôi thường hay phụ má ra bìa rào, cắt mấy loại cây bụi như nho bay (cây cộng sản), cây nho nho, hay những tàu lá chuối khô để má độn vào những giồng đất trồng rau lang.

Chỉ cần một trận mưa rào, vài ngày là đã thấy dây rau lang bén rễ, ăn sâu vào giồng đất. Khoảng vài tuần là cây đã nứt nhánh, bò khắp mặt đất, lúc này có thể ngắt ngọn, hái lá vào chế biến món ăn.

Nói về món ăn từ rau lang thì rất phong phú, dễ chế biến, có thể luộc, nấu canh, xào, vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe. Theo Đông y thì rau lang là thảo mộc không độc, có tính bình, giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường thị lực, lợi mật, chữa vàng da…

Rau lang thông dụng nhất là luộc. Có người thích xào thịt bò với rau lang hoặc rau lang nấu canh nấm mối, nấm rơm cũng rất ngon. Ngày mưa gió, chỉ cần đĩa rau lang luộc chấm với cá chỉ vàng hoặc cá thu muối mặn kho sền sệt là ngon hết sảy.

Để có đĩa rau lang luộc ngon, khi ngắt rau phải lựa lấy những ngọn rau non mập mạp, ở phần thân thì chọn những cọng rau mềm, lá không quá già rồi rửa sạch. Đun nồi nước thật sôi, sau đó cho rau lang vào luộc. Để giữ được màu xanh của rau, khi luộc cho thêm ít muối hạt và vài giọt dầu ăn. Canh nồi nước luộc rau sôi lên vài dạo là tắt bếp, vớt rau ra ngay.

Rau lang luộc xong vớt ra, phần nước luộc rau được má vắt vào chút chanh để làm canh. Ngày nắng, đi đâu về, ngồi vào mâm cơm, húp chén canh rau lang luộc chua chua thì thật là mát lành, sảng khoái.

Khoai lang thu hoạch được rất lâu, cứ cắt lượt này đến lượt khác, mấy tháng mới cằn cỗi. Lúc này những giồng rau sẽ được thu hoạch củ. Dây rau lang nằm trên vùng đất cát, cho củ nhiều và to. Chỉ cần lấy bàn cào, cào lớp đất cát phía trên là củ khoai đã lộ ra. Chỉ mấy giồng đất trồng rau lang thôi mà lần nào má cũng thu về cả thúng củ.

Khi nấu chín, củ khoai lang rất bùi, thơm ngon. Củ lang ăn không hết, thì má chế biến thành món củ trụng, củ chà để dành làm món ăn vặt, ăn sáng cho cả nhà.

Nhắc đến món củ trụng, củ chà là nhắc đến một món đặc sản của người miền Trung quê tôi. Trước đây, củ trụng, củ chà được xem như một loại lương thực dự trữ khá đặc biệt của người miền Trung.

*Mâm cơm của má thường có đĩa rau lang luộc. Ảnh: SC

Ngày trước, cuộc sống còn khó khăn, cơm gạo chưa có nhiều, nên bữa cơm nào cũng gần như được độn khoai, hôm thì cơm độn khoai lang hôm thì cơm độn khoai mì. Rồi không biết từ bao giờ, người dân quê tôi lại nghĩ ra cách làm củ trụng, củ chà để làm lương thực dự trữ phòng khi nhà hết gạo, lại không trúng mùa khoai.

Cách làm củ chà, củ trụng rất dễ. Khoai lang rửa sạch, mang đi nấu chín rồi xắt thành từng lát mỏng phơi khô thì thành củ trụng; còn đem chà nát vụn rồi phơi khô thì thành củ chà.

Mỗi khi trong nhà hết gạo má thường lấy củ chà, củ trụng ra hấp chung với ít cơm. Sau này, cuộc sống đỡ vất vả hơn thì má lấy củ chà, củ trụng chế biến thành món ăn vặt rất tiện lợi mà gây nghiện. Cách làm là, ngâm củ chà, củ trụng với nước lạnh rồi bắc lên bếp nấu cho mềm, sau đó trộn ít dừa bào, ít đường mía vào tạo cho món ăn vừa bùi, vừa ngọt, vừa béo lại rất thơm ngon.

Bây giờ củ chà, củ trụng trở thành món ăn gây thương nhớ cho những người con xa quê. Bởi vậy, mà ở quê, nhiều nhà vẫn còn chế biến món này như một thứ đặc sản đem bán ở những phiên chợ quê.

Cuối mùa hạ, những cơn mưa trái mùa thi thoảng xuất hiện làm những giồng rau lang của má trồng ở đầu hè lên xanh mướt. Chuẩn bị bữa cơm, má ra vườn ngắt nắm đọt lang vào luộc. Bưng chén cơm trắng nóng hôi hổi ăn kèm đọt rau lang chấm với cá thu muối mặn kho sền sệt thấy ngon làm sao.

SÔNG CÔN

Nguồn: Báo Kon Tum điện tử

Recommended For You

Để lại một bình luận