Hàng không và du lịch “bắt tay” để giảm giá vé

Giá vé máy bay nội địa tăng cao thời gian qua đã gây tác động bất lợi cho ngành hàng không, du lịch, các ngành kinh tế và sinh kế của người dân nhiều địa phương. Theo phân tích của cơ quan chức năng, các yếu tố góp phần làm tăng giá vé gồm chi phí nhiên liệu, biến động tỷ giá, thiếu máy bay,…

Ngoài ra, theo các chuyên gia trong nước và kinh nghiệm quốc tế, một số nguyên nhân khác chưa được đề cập như thị trường hàng không nội địa thiếu sức cạnh tranh, chi phí bảo trì ở nước ngoài cao và sự hợp tác, liên kết giữa hai ngành hàng không-du lịch còn lỏng lẻo.

Tác động tiêu cực của việc giá vé tăng

Vài tháng trước đây, một nghịch lý khá bức xúc đã được nêu ra tại diễn đàn Quốc hội: Người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, thay vì bay thẳng bằng dịch vụ của các hãng hàng không nội địa, lại mua vé của hãng nước ngoài bay sang Thái Lan rồi từ đó bay về Hà Nội với giá rẻ hơn.

Giá vé máy bay nội địa chỉ thấp hơn chút ít so với giá vé máy bay đi các nước trong khu vực nên nhiều gia đình Việt Nam đã lựa chọn đi du lịch Thái Lan do chi phí ở Bangkok rẻ hơn.

Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá dịch vụ vận tải hàng không trong quý I đã tăng 85,44% so với cùng kỳ.

Giá vé bay tăng cao ảnh hưởng trước tiên tới ngành hàng không do giảm nhu cầu đi lại, doanh thu của các hãng sụt giảm.

Bên cạnh đó, giá vé máy bay cũng đóng vai trò quan trọng trong tổng giá tour du lịch, thực tế giá vé máy bay có thể chiếm từ 40-60% giá tour du lịch trọn gói. Giá vé máy bay tăng khoảng 20% dẫn đến giá tour cũng tăng 10% so với cùng kỳ khiến các doanh nghiệp lữ hành buộc phải “né” đường bay để giảm giá tour.

Số lượng khách đi đường hàng không sụt giảm đã tác động lan tỏa đến việc làm của người lao động trong các ngành hàng không, kinh doanh, cũng như cuộc sống người dân tại các điểm đến.

Lãnh đạo các doanh nghiệp hàng không nhận định, giá vé tăng có nguyên nhân từ chi phí nhiên liệu tăng cao, chênh lệch tỷ giá, thiếu tàu bay (do nhà sản xuất PW triệu hồi động cơ, làm giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới), chi phí bảo trì, cung cầu thị trường; chi phí thuê máy bay; các khoản thuế VAT, thuế nhiên liệu, phí sân bay,…

Có lẽ, yêu cầu về hợp tác giữa hàng không và du lịch không chỉ dừng lại ở mức độ cùng quảng bá, đưa ra các gói khuyến mãi mà cần xem xét, xây dựng kế hoạch tổng thể, phân kỳ để có tác động dài lâu; đồng thời, cần có diễn đàn trao đổi về điểm mạnh, điểm yếu của mỗi bên, những hành động hỗ trợ cấp bách để bảo đảm nhiều bên cùng có lợi, gồm doanh nghiệp hàng không-du lịch, điểm đến, chính quyền và người dân địa phương.

Một vấn đề mang tính “vòng lặp” đáng báo động là khi giá vé máy bay nội địa cao dẫn đến các điểm du lịch phải hạ giá dịch vụ, khiến chất lượng giảm sút, làm giảm sự hài lòng của khách du lịch. Kết quả là nhu cầu đi du lịch trong nước giảm, số lượng chuyến bay giảm theo và cuối cùng là giá vé máy bay nội địa lại tiếp tục tăng cao.

Khi các hãng hàng không cắt giảm chính sách khuyến mãi và giảm quan tâm vào chất lượng dịch vụ có thể dẫn đến hệ quả giá vé máy bay tiếp tục tăng cao và chất lượng dịch vụ giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu du lịch nội địa.

Những giải pháp đồng bộ giảm giá vé

*Hành khách theo dõi thông tin chuyến bay tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. ( Ảnh ĐĂNG ANH)

Vấn đề giảm giá vé máy bay nội địa có thể hoàn toàn được giải quyết nhờ sự phối hợp toàn diện, đầy đủ của các chủ thể liên quan. Chính phủ và các bộ, ngành có thể hỗ trợ ngành hàng không giảm 50% mức giá dịch vụ cất-hạ cánh, giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa như năm 2021; trợ giá giúp doanh nghiệp hàng không bù đắp chi phí và duy trì hoạt động, kích cầu cho cả hai ngành du lịch và hàng không.

Hiện nay, năng lực của các công ty bảo trì, sửa chữa và đại tu máy bay (MRO) ở Việt Nam chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu, việc giao đất sân bay xây dựng MRO hết sức khó khăn, phức tạp, mặc dù không hề thiếu đất. Nhu cầu đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không được giao đất sân bay để đầu tư MRO là rất cấp thiết,…

Theo ý kiến của chúng tôi, Chính phủ nên khuyến khích thành lập các hãng hàng không mới, bỏ thủ tục quản lý, cấp phép thành lập hãng hàng không theo Luật Đầu tư sửa đổi (năm 2016).

Việc thành lập và xin giấy phép chỉ cần theo một thủ tục duy nhất của Luật Hàng không nhằm cho phép đầu tư, thành lập hãng hàng không thuận lợi hơn và cạnh tranh trên thị trường bình đẳng hơn, qua đó, tăng năng lực cạnh tranh và công suất bay của các hãng.

Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu xăng dầu để hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn; hỗ trợ chung cho ngành hàng không và du lịch với gói kích cầu giảm giá vé máy bay khứ hồi, trợ giá vé máy bay và trợ giá phòng lưu trú, theo nguyên tắc không vượt quá 40% giá trị của vé và phòng; đồng thời, nghiên cứu quy định về giá trần vé máy bay nội địa đang áp dụng tại Việt Nam theo hướng để thị trường tự quyết định, tuân thủ quy luật cung cầu, có sự quản lý, điều tiết theo Luật Cạnh tranh.

Chính phủ giao Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch thiết lập cơ chế hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch, có thể thành lập tổ công tác đặc biệt hàng không-du lịch; định kỳ tổ chức hội nghị để tìm hiểu nhu cầu, rào cản cần tháo gỡ cấp bách, chia sẻ thông tin, hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ và cùng thực hiện các chiến dịch quảng bá.

Chính quyền địa phương có sân bay nên nghiên cứu cơ chế, chính sách bù lỗ cho ngành hàng không bằng ngân sách trung ương, địa phương để khuyến khích mở đường bay, tăng số lượng chuyến bay đến các địa phương phát triển du lịch. Trước mắt, các địa phương đang sụt giảm số lượng khách du lịch bằng đường hàng không như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam,… cần có giải pháp kịp thời.

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp khách sạn áp dụng chính sách thời gian nhận phòng sau 14 giờ, trả phòng trước 11 giờ. Tuy nhiên, điển hình trong nước và trên thế giới cho thấy, việc nhận và trả phòng linh hoạt là một định hình mới trong ngành khách sạn, cho phép khách tự quyết định thời gian nhận và trả phòng 24/7 không phải trả phí trả phòng muộn hay nhận phòng sớm,…

Doanh nghiệp hàng không nên bỏ khoản phí thanh toán vé, nhằm thể hiện nỗ lực, sẵn sàng của ngành hàng không trong việc giảm giá vé máy bay.

Để phát triển bền vững, các điểm đến và hãng hàng không đều cần cam kết giữ vững và nâng cao chất lượng dịch vụ; hãng hàng không xem xét chính sách giữ ổn định giá vé, tránh những biến động lớn.

Chúng tôi tin tưởng với sự chung tay của Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp, mục tiêu giảm giá vé máy bay nội địa sẽ đạt được hiệu quả, phát triển ngành hàng không, du lịch, các ngành kinh tế khác và cải thiện sinh kế người dân địa phương.

HOÀNG NHÂN CHÍNH
Hội đồng Tư vấn Du lịch-TAB

Nguồn: Báo Nhân Dân

  • Hình bìa: Giá vé máy bay nội địa tăng cao thời gian qua đã gây tác động bất lợi cho ngành hàng không, du lịch, các ngành kinh tế và sinh kế của người dân nhiều địa phương. Theo phân tích của cơ quan chức năng, các yếu tố góp phần làm tăng giá vé gồm chi phí nhiên liệu, biến động tỷ giá, thiếu máy bay,…

Recommended For You

Để lại một bình luận