Hệ thống cảnh báo sớm sạt, lở

    Nhằm cảnh báo sớm hiện tượng sạt, lở đã và đang xảy ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên… Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ (CESTI – Sở khoa học và công nghệ TP.HCM) vừa phối hợp với Viện địa lý tài nguyên TP.HCM tổ chức hội thảo: “Giới thiệu hệ thống cảnh báo sớm sạt, lở theo thời gian thực” do Trung tâm nghiên cứu GIS – Trường đại học Feng Chia (Đài Loan) nghiên cứu và triển khai.

    Hệ thống bao gồm: trung tâm số liệu, trạm đo mưa, camera quan sát, cảm biến chấn động, cảm biến căng kế và thiết bị đo độ cao mực nước bằng sóng radar (Radar water level meter).

    Công nghệ ứng dụng hệ thống quan trắc hoạt động liên tục 24/24 và được vận hành dễ dàng. Cảm biến kết hợp với nền tảng thông tin quan trắc được tích hợp sẵn với hệ thống dự báo lũ. Do đó, người dùng có thể truy xuất dữ liệu từ máy tính hoặc cập nhật dữ liệu qua mạng di động kết nối Internet.

    Dữ liệu sau khi phân tích, xử lý sẽ đưa ra ngưỡng cảnh báo thiên tai gửi về các cơ quan quản lý nhằm chủ động hơn trong việc phát hiện sớm nguy cơ, rủi ro, giúp giảm nhẹ thiệt hại về tài sản, con người, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường một cách bền vững.

    Quá trình nghiên cứu của Viện địa lý tài nguyên TP.HCM cho thấy, hệ thống được triển khai, ứng dụng hiệu quả tại Đài Loan và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

    Với điều kiện tự nhiên của Đài Loan và Việt Nam là tương đồng nhau nên việc áp dụng thành công ở Đài Loan là một điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng.

    Và lần đầu tiên tại Việt Nam, một hệ thống cảnh báo sớm trượt lở dạng dòng bùn đất, đá theo thời gian thực được nghiên cứu, xây dựng thử nghiệm ở Bản Khoang, (Sapa, tỉnh Lào Cai).

    Cũng theo Viện địa lý tài nguyên TP.HCM, công nghệ này sẽ giúp cảnh báo sớm về sạt/xói lở theo thời gian thực và đưa ra những giải pháp ứng phó với hiện tượng này nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

    VIỆT THY

    Recommended For You