Để có sức khỏe và trí nhớ tốt trong mùa thi, thí sinh cần lưu ý đến chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất, phải đảm bảo ăn uống đủ: đạm, béo, đường – bột, vitamin và chất khoáng.
Ăn, ngủ hợp lý
Chú ý dùng đủ các thực phẩm như sữa (trong thời gian học thi, mỗi ngày nên uống 1 ly sữa), trứng, thịt, cá, rau quả (nên ăn nhiều các loại trái cây tươi), đặc biệt nên dùng thêm các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành. Các loại thực phẩm vừa kể chứa nhiều dưỡng chất rất cần cho hoạt động trí não.
Đến giờ ăn, thí sinh cần để toàn tâm toàn ý trong việc ăn. Nếu ăn trong tình trạng đầu óc vẫn còn “căng” vì việc học thi (nhất là do học kiểu “đến chân mới nhảy”) thì không thể nào tiêu hóa và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.
Trong thời gian học thi, vẫn nên dành thời gian ngủ đủ là điều rất quan trọng. Nên lưu ý, khi học vào ban đêm mà thấy mệt mỏi, buồn ngủ thì đó là dấu hiệu cho biết cơ thể cần được nghỉ ngơi. Và giấc ngủ chính là sự nghỉ ngơi tích cực, triệt để nhất.
Cần ngủ đủ để phục hồi sức khỏe, phục hồi trí não minh mẫn. Cần tránh việc lạm dụng cà phê, trà đậm uống vào đêm khuya để thức học thi. Bởi vì việc lạm dụng các chất kích thích này chỉ là sự đánh lừa, sự mệt mỏi không hề mất đi sẽ làm cơ thể kiệt sức mà ta cứ tưởng là tỉnh táo.
Cần lưu ý, hoạt động trí nhớ không chịu được sự thúc ép, bị áp lực ngoại cảnh. Có tình trạng đáng ghi nhận là hiện nay có nhiều học sinh bị sa sút trong học tập, học với tình trạng “học đầu quên đuôi”, thậm chí có biểu hiện rối loạn tâm thần chỉ vì bị áp lực gia đình, bị bố mẹ ép buộc học tập một cách quá đáng.
Có nên dùng thuốc?
Có loại thuốc nào đem đến tác dụng “bổ óc”, tạo sự thông minh, tăng cường trí nhớ? Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra thuốc nào cho tác dụng thần kỳ như vậy.
Trước đây, có thuốc được cho là “bổ óc” là Cervotonic (thực chất kết hợp acid glutamic và vitamin B1), gần đây là Glutaminol, Glutaminol-B6, Pho-L… được gán ghép cho tác dụng như thế nhưng chính một số nhà sản xuất các thuốc trên đã công bố: “…Thuốc chỉ có công dụng dùng trong chứng suy nhược chức năng nhưng không có tác động đặc hiệu nào được chứng minh một cách cụ thể”. Tức là chưa có một thí nghiệm khoa học nào chứng minh có loại thuốc tạo ra được trí thông minh, tạo được trí nhớ vượt bậc đối với người bình thường cả.
Ở nước ta, một số loại thuốc như citicholin, piracetam, glyceryl phosphorylcholin, Ginkgo biloba (tức hoạt chất lấy từ cây bạch quả) tacrin, galantamin, được gọi là thuốc tăng cường hoạt động trí não, thực ra chỉ để điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hoặc ở người bị chấn thương sọ não, chứ không có tác dụng tăng cường trí nhớ cho người học thi.
Nhiều biệt dược mà giới trẻ phương Tây thường dùng để “doping” trí não được kể là Dexedrine, Ritalin, Aricept, Nootropil và nhiều loại khác. Các thuốc này đều là thuốc chữa bệnh đặc biệt được bác sĩ chỉ định dùng rất thận trọng và hạn chế, chứ không thể tự ý dùng tùy tiện, dùng sai sẽ bị tác hại khôn lường. Riêng hai thuốc dextroamphetamin (biệt dược Dexedrine), methylphenidat (Ritalin) lạm dụng ở nước ngoài là thuốc kích thích hệ thần kinh được dùng chủ yếu trị bệnh gọi là “rối loạn tăng động kém tập trung” (attention deficit hyperactivity disorder – ADHD).
Dùng thuốc trị ADHD vừa kể một cách tùy tiện rất nguy hiểm vì thuốc gây nghiện như nghiện ma túy. Ở ta, các bạn trẻ có thể lạm dụng thuốc lắc hay ma túy đá vì sự rủ rê dùng giúp sự kích thích tỉnh táo để học thi (thuốc lắc tức ecstasy hay ma túy đá tức methamphethamin là dẫn chất cũng nằm trong nhóm thuốc trị ADHD vừa kể). Chúng cũng gây các tác dụng phụ rất nguy hiểm khác.
Còn các chế phẩm “thực phẩm chức năng” hay cụ thể là chế phẩm nhân sâm thì thế nào?
Nhân sâm được xem là vị thuốc bổ quý được dùng lâu đời trong đông y. Hiện nay, ở nhiều nước, tây y bắt đầu công nhận và sử dụng. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng dược lý và lâm sàng của nhân sâm, trong đó có các nghiên cứu về tác dụng chống mệt mỏi, làm tăng khả năng tập trung và sự nhạy bén trong hoạt động thể lực và trí óc.
Như vậy, nhân sâm cũng không tạo ra trí nhớ hay sự thông minh, mà tác dụng tích cực của nhân sâm nếu dùng đúng liều lượng và có khi phải dùng lâu dài là giúp cho người làm việc trí óc tăng sự tập trung và chống mỏi mệt.
Đối với các loại chế phẩm “thực phẩm chức năng” nói chung chỉ nên xem là loại “bổ sung dinh dưỡng” hoặc “hỗ trợ” giống như thuốc cung cấp vitamin và chất khoáng. “Thực phẩm chức năng” không được xem là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc.
Đối với các bạn trẻ, không nên dùng bất cứ loại thuốc nào, ngoại trừ do sợ thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng, có thể dùng thuốc bổ cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng, chẳng hạn, có thể dùng loại đa sinh tố (multivitamin) ngày 1 viên.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức
(Đại học y dược TP.HCM)