Khả năng thanh lọc không khí của cây cảnh trong nhà

    Nhiều thông tin cho rằng cây cảnh trồng trong nhà có khả năng thanh lọc không khí, làm giảm ô nhiễm. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà càng lúc càng trở nên trầm trọng.

    Con người, nhất là ở các đô thị, ngày càng dành nhiều thời gian bên trong các không gian đóng kín có điều hòa nhiệt độ, từ nhà ở đến nơi làm việc, lớp học, cả ở nơi giải trí, ăn uống và trên tàu, xe. Thời gian bên trong các không gian đóng kín có thểchiếm đến 90% thời gian sống của cư dân đô thị. Các loại hóa chất tổng hợp ngày càng được dùng nhiều hơn trong sinh hoạt hàng ngày, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà.

    Đáng chú ý hơn cả là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (Volatile Organic Compounds VOCs) như formaldehyd, benzen vàmethylen chlorid, phát ra từ các hóa chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất làm thơm, thảm, gỗ đã qua xử lý, keo dán, sơn… Nấu nướng trong các nhà bếp đóng kín cũng góp phần gây ô nhiễm. Chưa kể đến việc hút thuốc lá trong phòng.

    Một số nghiên cứu trước đây cho thấy một số loài thực vật quả thực có khả năng làm giảm hàm lượng VOCs trong không khí.

    Trước tiên có thể kể đến nghiên cứu của Cơ quan không gian và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) do Bill Wolverton công bố năm 1989, một phần trong chương trình nghiên cứu về thanh lọc không khí trong các trạm không gian.

    Wolverton làm thí nghiệm trên 12 loài thực vật và cho thấy chúng có khả năng làm giảm từ 10 – 70% lượng VOCs có trong bể thí nghiệm. Sau đó nhiều nghiên cứu khác cũng được tiến hành theo hướng này. Điểm chung của các thí nghiệm loại này là các loài thực vật được đặt trong các bể thí nghiệm kích thước nhỏ, với các điều kiện không khí hoàn toàn được kiểm soát.

    Tuy nhiên, mới đây một nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Exposure Science and Epidemiology số tháng 11/2019 cho thấy khả năng thanh lọc VOCs của thực vật trong không gian sống thực tế của con người là rất thấp.

    Hai nhà khoa học Bryan Cummings và Michael Waring của Đại học Drexel, thành phố Philadelphia Hoa Kỳ, đã sử dụng số liệu của 196 thí nghiệm đã công bố trong 12 công trình nghiên cứu trước đây để phân tích khả năng thanh lọc không khí thực tế của cây cảnh đặt trong phòng.

    Kết quả cho thấy cần đặt từ 10 – 1.000 cây, tùy theo loại, trên mỗi mét vuông trong phòng để cóđược hiệu quả giảm ô nhiễm tương đương với việc làm đơn giản làcho thông khí từ bên ngoài vào phòng.

    Như vậy dù một số cây cảnh có khảnăng làm giảm chất gây ô nhiễm, phương pháp này xem ra ít có hiệu quả thực tế. Tất nhiên, cây cảnh mang lại nhiều lợi ích khác về thẩm mỹ và tinh thần. Một số nghiên cứu cho thấy trang trí cây xanh trong văn phòng giúp tăng hiệu suất làm việc.

    TS. TRẦN TRIẾT

    (Đại học khoa học tự nhiên – Đại học quốc gia TP.HCM)

    Recommended For You