Khắc phục chứng ‘đau bụng khi uống sữa’

    Sữa là thực phẩm phổ biến với tất cả mọi người. Thế nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp khi uống sữa lại gặp phải những vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn… làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động hàng ngày và chất lượng sức khỏe.

    Nguyên nhân gây đau bụng và tiêu chảy khi uống sữa

    Những triệu chứng đó được giải thích với 3 nguyên nhân chính sau:

    Cơ thể dị ứng với gluten: gluten là một loại protein có trong ngũ cốc như lúa mì và lúa mạch. Hầu hết cơ thể con người có khả năng hấp thụ được gluten. Tuy nhiên, nó sẽ gây ra một số vấn đề về sức khỏe cho những người mắc bệnh Celiac (không dung nạp gluten), dị ứng với gluten, dị ứng lúa mì… (chiếm khoảng 3% dân số). gluten sẽ gây tổn thương thành ruột, thiếu dinh dưỡng, thiếu máu, các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, nhức đầu, mệt mỏi, phát ban da, giảm cân…

    Cơ thể không dung nạp lactose: lactose là một dạng đường có trong sữa động vật, chúng được hấp thụ vào máu để sản sinh ra năng lượng cho cơ thể. Trường hợp không dung nạp hoặc dị ứng lactose là do cơ thể thiếu men lactase để tiêu hóa đường lactose có trong sữa sẽ gây chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy…

    Cơ thể dị ứng sữa: trường hợp dị ứng sữa thường có nguồn gốc từ di truyền, tùy vào cơ chế sinh học của mỗi người hoặc trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn thành… Protein có trong thành phần sữa động vật là nguyên nhân chính gây ra tình trạng dị ứng sữa, thường thấy ở các loại sữa động vật như bò, dê, cừu…

    Người dị ứng sữa thường có các triệu chứng như phát ban, khó thở, buồn nôn, co thắt bụng, đi ngoài…

    Cách khắc phục tình trạng đau bụng và tiêu chảy khi uống sữa

    Nếu cơ thể bạn phản ứng nhẹ với sữa, hãy thử những cách sau:

    Chia nhỏ sữa và uống nhiều lần: việc này sẽ giúp cho cơ thể có thời gian thích nghi, hoạt động và làm quen dần với sữa.

    Uống bổ sung lactase, mua tại các nhà thuốc (theo chỉ định của bác sĩ).

    Bổ sung sữa chua: bạn có thể dùng sữa chua từ 3 – 6 tuần. Quá trình lên men của sữa chua sẽ làm đường lactose trở nên dễ hấp thụ hơn, giúp cho cơ thể dễ dàng hấp thu calci cùng một số khoáng chất khác, đồng thời bổ sung thêm dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

    – Một cách dễ dàng và an toàn hơn là thay thế sữa động vật bằng những loại sữa thực vật không có chứa lactose như sữa dừa, sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, sữa óc chó… sẽ giúp bạn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng mà vẫn không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Cách phân biệt những loại sữa không chứa lactose và chất gây dị ứng

    Nếu bạn gặp phải những vấn đề khi uống sữa, nên cẩn trọng hơn trong việc chọn lựa sữa và những chế phẩm từ sữa. Đặc biệt, nếu bạn thuộc trường hợp không dung nạp được gluten, lactose, dị ứng sữa thì nên chọn:

    – Những loại sữa có nguồn gốc thực vật hoặc sữa đặc chế không chứa đường lactose.

    – Chú ý thông tin trên bao bì sản phẩm hoặc tìm hiểu thương hiệu bạn mua có chứa gluten, đường lactose hay không.

    DS. HUYỀN NY

    Recommended For You