Khoa học công nghệ trong nông nghiệp không chỉ tạo năng suất, sản lượng mà còn tạo ra giá trị gia tăng. Người nông dân là ‘chìa khoá’ để ứng dụng những cải tiến khoa học công nghệ vào việc sản xuất lương thực, thực phẩm.
Thời gian qua Bộ NN&PTNT đã triển khai thành công 4 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, bao gồm: Chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình sản phẩm quốc gia.
Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ; đặc biệt là coi trọng phát triển nguồn nhân lực, hội nhập và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước; đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động và chính sách phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ.
Nhờ đó, trên khắp mọi miền đất nước, không ít những nhà khoa học đang âm thầm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, theo đuổi niềm đam mê khoa học. Không ít các học viện, viện, nhà trường không ngừng cố gắng nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng khoa học công nghệ được coi là một trong những chìa khóa để phát triển nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới. CropLife Việt Nam là một trong những tổ chức đang có nhiều hoạt động đồng hành cùng ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ mới trong nông nghiệp
Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam cho rằng, công nghệ sinh học, các cải tiến trong bảo vệ thực vật hay nông nghiệp số và nông nghiệp chính xác là một trong số những ứng dụng nổi bật hiện nay được áp dụng trong ngành khoa học thực vật. Những công cụ này hỗ trợ nông dân giảm thiểu và thích ứng với các điều kiện bất thuận của thời tiết đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng cũng như hỗ trợ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ông Bảo nhấn mạnh: “Người nông dân là trung tâm của ngành nông nghiệp và là chìa khoá để ứng dụng những cải tiến khoa học công nghệ nêu trên vào việc sản xuất lương thực thực phẩm. Để nông dân Việt Nam có thể tiếp cận kịp thời và công bằng với công nghệ, các giải pháp đổi mới trong nông nghiệp cũng như sử dụng có trách nhiệm những công cụ này, cần có cách tiếp cận toàn diện và có hệ thống. Đó là hệ thống các chính sách có ý nghĩa khuyến khích đổi mới nông nghiệp, được xây dựng dựa trên khung pháp lý minh bạch, với cơ sở khoa học xác đáng, phù hợp điều kiện địa phương và với các thông lệ quốc tế”.
CropLife, với tư cách là hiệp hội đại diện cho tiếng nói của ngành khoa học thực vật với thành viên là các công ty hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống và cây trồng công nghệ sinh học, luôn nỗ lực tìm kiếm và ủng hộ các cải tiến khoa học công nghệ nhằm giúp nông dân gia tăng năng suất một cách bền vững đồng thời giải quyết những thách thức quan trọng mà nền nông nghiệp đang phải đối mặt.
Các hoạt động của CropLife luôn hướng tới tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các cải tiến công nghệ tốt nhất, các phương thức canh tác hiệu quả và bền vững nhất cũng như đẩy mạnh hợp tác, đối thoại với các bên liên quan trong chuỗi giá trị, hướng tới cam kết nền tảng của CropLife và các công ty thành viên trong việc xây dựng nền nông nghiệp bền vững tại các quốc gia.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh: Khoa học công nghệ không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà còn tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ những tích hợp đa giá trị trong một ngành, hướng tới mục tiêu là giảm chi phí. Ví dụ như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, giảm phát thải… tất cả là để tạo ra thương hiệu, tạo ra giá trị gia tăng. Đó chính là hướng đi của khoa học công nghệ trong tương lai.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Đỗ Hương