Đối với người Cơ Tu sinh sống vùng cao Quảng Nam, không gian bếp được xem là linh hồn của căn nhà và là không gian văn hóa – nơi của đoàn tụ, duy trì, nuôi dưỡng, phát triển sự sống…
Già Y Kông, 92 tuổi, trú thôn Tống Coói, xã Ba (Đông Giang – Quảng Nam) cho hay, khi cất xong nhà gươl thì già làng nhóm bếp lửa trên sàn nhà gươl hay một người trong làng mới cất ngôi nhà mới thì công việc trước tiên là tìm chỗ đặt bếp lửa. Họ hy vọng bếp lửa này sẽ cháy mãi mang đến sự ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng cho dân làng hay mọi thành viên trong gia đình.
Ngày trước, thông thường bếp được đặt giữa nhà, nhưng cũng có thể lệch về một góc nào đó sao cho ánh nắng buổi chiều không chiếu vào giữa bếp. Bởi người Cơ Tu cho rằng, nắng chiều đã nóng gặp lửa càng nóng hơn nên gặp điều hung dữ, không may mắn. Ngày trước còn ở nhà sàn với nhiều gia đình thì gia đình nào có uy thế, khá giả thì được ưu tiên đặt bếp ở bốn góc nhà. Họ quan niệm rằng tại đó có Giàng ở nên chủ hộ thường để vật quý tại đây, không người ngoài nào được đến chỗ đó…
Để làm bếp trên nhà gươl, người ta đóng một cái bệ bằng gỗ, trong chứa đất sét, đặt “ông Kiền” lên trên đất và nhóm lửa. Còn ở nhà thì dùng đất sét đắp bếp cao hơn sàn nhà từ 12 – 15 cm rồi bao gờ tròn không cho tro tràn ra ngoài.
Xung quanh bếp được sắp xếp theo thứ tự: phía trong gian bếp là sàn ngủ của vợ chồng chủ nhà, bên trái là sàn dành cho ăn uống hàng ngày, bên phải là chỗ ngủ của con cái, phía ngoài sàn tiếp khách.
Tùy từng mùa nóng hay mùa lạnh mà người Cơ Tu sinh hoạt gần hay xa bếp. Vào mùa đông, gia đình người Cơ Tu ngủ chung quanh bếp lửa, chân hướng vào bếp để sưởi ấm.
Đặc biệt, bếp lửa của người Cơ Tu không bao giờ để nguội nhằm tránh sự hiu quạnh, lạnh lẽo; mặt khác khi đêm xuống, ánh lửa trong ngôi nhà sẽ giúp xua đuổi thú dữ. Do đó, nếu không đun nấu thì sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên và như vậy, bếp luôn có hơi ấm nên luôn mang đến “sinh khí” trong nhà.
Người Cơ Tu rất kiêng việc bỏ những đồ bẩn vào bếp, xem bếp rất linh thiêng. Ngày trước, còn nhiều tập tục chung quanh bếp lửa như gia đình không muốn tiếp khách thì tắt lửa bếp đi thì cũng chẳng ai vào nhà. Khách lạ, trẻ em đến không được tự tiện nhóm bếp lửa…
Nếu người làng hoặc khách ở xa đến mà không thấy có ánh lửa hoặc khói bếp có nghĩa là chủ nhà không có nhà, không nên vào. Người ta thường lấy những loại củi đốt không có chất dầu, để đốt ít khói. Về đêm, gia đình người Cơ Tu thường quây quần quanh bếp lửa để kể chuyện “sử thi”, bàn chuyện làm ăn, gia đình, bộ tộc…
Người phụ nữ Cơ Tu khi kết thúc buổi làm rẫy, họ gùi củi về nhà. Mùa hè thì xếp củi phơi ngoài sân, mùa mưa thì mang đặt gần bếp để xông cho chóng khô. Có nhiều khúc củi to, cháy âm ỷ suốt mấy ngày. Trên bếp lửa, người Cơ Tu làm hai hoặc ba cái gác bếp, còn gọi là giàn bếp (tir zơbu).
Gác bếp lớn hay nhỏ tùy theo số người nhiều hay ít ở trong nhà. Trên gác, người ta xông các loại lương thực như xông sắn (tir zơbu bur), xông củi (tir zơbu óih), thịt rừng (tir zơbu dhăh), các suối… Sắn hoặc măng được xắt khúc trải trên giàn cho mau khô, còn các thứ như bắp, thịt rừng thì được treo dưới giàn để cho khô và ăn dần.
Khi đan lát xong một dụng cụ nào đó như gùi (dòng), t’ lét, rê, chuy, cà vông (cà lông)…, người ta thường treo hoặc đặt trên gác cho có màu cánh gián, làm bền, chắc và đẹp sản phẩm. Bếp lửa của người Cơ Tu được xem là địa chỉ văn hóa gắn liền với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cư dân sống trên vùng núi cao của Trường Sơn hoang dã như ăn uống, uống rượu cần, kể chuyện sử thi, hát lý, thổi sáo, kéo đàn abel…
Khi cuộc sống của người Cơ Tu ngày càng tiếp cận với lối sống văn minh, hiện đại, những ngôi nhà sàn dần dần chuyển sang kiểu nhà cấp 4 của người Kinh, trang bị bếp gas, nồi cơm điện… nên không gian bếp lửa và những phong tục của người Cơ Tu trước kia vì thế mà ít nhiều bị mai một.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều gia đình người Cơ Tu ở vùng cao vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống bên bếp lửa, đặc biệt là việc quây quần, đoàn tụ mỗi dịp tết đến, xuân về. Trong tâm thức của mỗi người Cơ Tu vẫn luôn tự hào rằng “không gian gác bếp” là nơi sinh hoạt văn hóa, nuôi dưỡng, phát triển sự sống cho chính người Cơ Tu trường tồn trên dãy Trường Sơn.
Bài và ảnh: TIÊN SA