Ở nhà phố, vì hạn hẹp diện tích nên việc suy nghĩ, lựa chọn danh sách các loại rau củ để trồng cũng rất cần thiết. Bạn nên để ý về các loại rau trái gia đình thường xuyên sử dụng và dễ trồng như giá đỗ, chanh, ớt hay đậu que, rau ngót, cải xanh và một ít rau thơm…
Một khi đã biết mình muốn trồng gì thì việc sắp xếp không gian và xác định số lượng chậu trồng rau sẽ dễ dàng hơn. Hãy yên tâm là không nhất thiết phải có đất rộng để làm một vườn rau, chỉ cần có khoảng không trên sân thượng hay ban công đầy nắng ngoài cửa sổ và tận dụng các thùng xốp, chậu nhôm, thau nhựa cùng các loại chai, hộp cũ… là bạn sẽ có ngay những nơi lý tưởng để trồng trọt và kiêm trang trí cho ngôi nhà của mình thêm xanh tươi.
Ba yếu tố cơ bản và quan trọng cho vườn rau của bạn:
– Được “tắm nắng” đầy đủ: hầu hết các loại rau cần ít nhất 6 – 8 tiếng để đón nắng trực tiếp, nếu chúng không hấp thụ đủ ánh sáng thì khả năng tồn tại rất kém và có nguy cơ bị tấn công bởi các loại côn trùng, bệnh tật. Gợi ý: hãy cố gắng mang vườn rau đặt ở ban công hoặc sân thượng – nơi luôn tràn đầy ánh sáng mặt trời để chúng có cơ hội quang hợp đầy đủ. Mặt khác, nếu không thể cải thiện được nguồn sáng vì điều kiện nhà cửa và thời tiết, bạn nên linh hoạt chuyển sang trồng các loại rau ưa bóng râm như: rau diếp, ngò gai, cải bó xôi, rau càng cua, rau má.
– Nguồn nước: nước là nhân tố quan trọng cho sự sống của cây cỏ, vì thế hãy đảm bảo việc tưới tắm cho khu vườn của mình ít nhất một lần mỗi ngày (mà còn tùy vào từng loại rau để có mức độ nước tưới vừa phải) và nhiều hơn trong những đợt khô hạn.
– Đất: đây là yếu tố cần chuẩn bị đầu tiên trước khi gieo mầm. Rau mọc tốt cần nền đất ẩm, khả năng thoát nước tốt và giàu chất dinh dưỡng. Nếu lấy đất vườn, cần kiểm tra chất lượng của đất để kịp thời bổ sung các dưỡng chất còn thiếu. Cách nhận biết độ màu mỡ của đất là hãy dùng tay nắm chặt một nắm đất, nếu thấy tay bị ướt do đất có nhiều nước thì cần bổ sung thêm phân hữu cơ và vi sinh cho đất vì đấy là loại đất nghèo chất dinh dưỡng. Sau đó hãy thả bàn tay ra, nếu đất không liên kết thành khối mà rời rạc nhau thì chứng tỏ đấy là loại đất có nhiều cát, cần bón thêm phân hữu cơ. Còn nếu đất kết dính vào nhau thành khối khá chắc chắn thì đó là loại đất nhiều bùn. Còn nếu đất tơi xốp khi dùng tay bóp thì là loại đất tốt, màu mỡ, giàu chất dinh dưỡng. Ngoài ra, cần lót một lớp vải vào thùng rồi cho một lớp đất, rắc một ít phân NPK bón lót vào, trộn đều một ít xơ dừa đã ngâm qua nước 1 ngày, sau đó đổ một lớp đất nên trồng cây con hoặc gieo hạt giống thưa (với hạt mầm, bạn nên ngâm qua đêm trong nước ấm)…