Để xây dựng vùng dược liệu cho tỉnh Kon Tum, những năm qua, huyện Kon Plong thực hiện nhiều chính sách hấp dẫn, hỗ trợ tích cực khi nhà đầu tư triển khai dự án. Từ đó, họ mạnh dạn rót dòng vốn lớn đầu tư vào các dự án phát triển, bảo tồn và chế biến dược liệu, giúp kinh tế địa phương khởi sắc.
Kể về cơ duyên khởi nghiệp ở xứ lạnh Măng Đen, anh Nguyễn Việt Anh (gốc Hà Nội) phấn khởi cho biết: “Trong một lần đi du lịch đến Măng Đen, phát hiện sâm dây bản địa cho chất lượng củ không thua kém sâm Hàn Quốc, lại đang được địa phương khuyến khích phát triển nên tôi quyết định đầu tư trồng sâm dây dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Viện dược liệu (Bộ y tế)”.
Triển khai trồng sâm dây dưới tán rừng mặc dù bỏ nhiều công chăm sóc để dọn thực bì, cỏ dại, làm đất (đều bằng tay vì máy không thể len lỏi vào những gốc thông già). Tuy nhiên, nhờ được che nắng dưới thảm thực vật rộng lớn, nên đất giữ được độ ẩm đỡ được công tưới nước, chưa kể chất lượng củ sâm tốt hơn nhiều so với trồng trên đất trống.
Ngoài ra, đầu tư ít tốn kém, lại cho lợi nhuận khá cao, thu được cả củ, lá và thân. Anh Việt Anh “khoe”, riêng phần lá thu được mỗi ngày (3 – 4 triệu đồng/50 – 60 kg) đủ để Mê Kông trang trải tiền nhân công. Phần củ, dược liệu Mê Kông chờ đủ 4 tuổi mới khai thác (đạt trọng lượng 300 – 350 g) để có giá bán cao, khoảng 1 triệu đồng/kg.
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp tại Kon Plong, anh Nguyễn Việt Anh cho biết: “Dược liệu Mê Kông được hỗ trợ thuê đất rừng với giá rẻ như cho, chính vì vậy, chúng tôi luôn thể hiện trách nhiệm bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn dược liệu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương”.
Trải thảm mời nhà đầu tư
Huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum có độ cao trên 1.000 m (là cao nguyên thuộc dãy Trường Sơn), với khí hậu quanh năm ẩm lạnh và mờ sương, “9 tháng mưa, 3 tháng nắng” là điều kiện lý tưởng để cây sâm phát triển mạnh trên vùng đất này.
Để thu hút dòng vốn lớn đầu tư phát triển và bảo tồn dược liệu, Kon Plong thực hiện nhiều chính sách hấp dẫn: hỗ trợ giống, vốn, đầu tư thiết bị, công nghệ sơ chế, chế biến thuốc; hỗ trợ về đất đai, thuế trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu. Ngoài ra, Kon Plong còn đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, hỗ trợ xây dựng logo, nhãn hiệu, nhãn mác, triển khai các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sâm.
Với nhiều chính sách hấp dẫn, những năm qua đã có hàng chục dự án được triển khai, diện tích ngày càng tăng. Điều đáng nói, nhiều thành phần kinh tế đã tham gia phát triển và bảo tồn sâm, trong đó, đồng bào thiểu số (chiếm đa số dân số của huyện) cũng tự tin tham gia dự án liên kết trồng sâm, từ đó, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước xóa nghèo.
Các lợi thế trên chính là lực đẩy giúp Kon Plong xây dựng thành công vùng nguyên liệu tập trung với diện tích 149 ha, trong đó, trên nửa diện tích đã cho thu hoạch. Đồng thời, Kon Plong cũng xây dựng phương án bảo tồn, phát triển và thu hái dược liệu bền vững đối với một số dược liệu: đảng sâm (sâm dây), sâm cau, ngũ vị tử, giảo cổ lam, chè dây…
Từ nguyên liệu sẵn có, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chế biến thành các sản phẩm: rượu sâm, nước giải khát, kẹo sâm, thực phẩm bổ sung (cao sâm hỗn hợp, cao hồng đảng sâm, cao đương quy, cao sâm câu)…giúp nâng cao giá trị cây sâm.
Tôi cho rằng, không bao lâu nữa nơi này sẽ trở thành vùng nguyên liệu sâm lớn nhất của tỉnh Kon Tum, vừa cho giá trị kinh tế, vừa có giá trị về y học. Tuy nhiên, để đánh giá hết tiềm năng và giá trị của sâm, huyện Kon Plong đã mời các chuyên gia Hàn Quốc đến khảo sát, nghiên cứu, đánh giá để có bằng chứng khoa học, làm cơ sở để phát triển và bảo tồn sâm”, ông Trương Ngọc Tuyền, phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kon Plong (cùng đi với đoàn) chia sẻ.