Ký ức một vùng quê biển

Tôi chào đời đã có biển một bên. Biển hòa âm với bãi thùy dương ru nhịp nôi thơ ấu, đưa tôi vào từng giấc ngủ êm đềm. Biển nằm sóng soải bên cửa sổ lớp học đầu đời của tôi và từ lớp học nhìn ra hai bên cửa Đề Gi, một bên là biển Đông bao la bát ngát, một bên là đầm Đạm Thủy xanh rờn.

Thầy giảng, đầm Đạm Thủy có hình chữ nhật, bề ngang chừng 3 km, bề dài khoảng 6 km, đầm hứng trọn lưu vực sông La Tinh và nhiều sông, suối từ các hòn núi quanh đầm đổ xuống, nên nước ngọt hòa cùng nước mặn thành nước chà hai; có 7 thôn quanh đầm làm muối ngon nổi tiếng từ nước đầm này. Đầm ăn ra cửa Đề Gi dưới chân hòn núi Lang.

Theo sách Nước non Bình Định của Quách Tấn (NXB Thanh niên – 1999), năm 1774, chúa Định Vương bị chúa Trịnh tấn công mặt Bắc, quân Tây Sơn chặn đánh ở mặt Nam, dồn vào thế tấn thối lưỡng nan phải kéo cháu là Nguyễn Ánh xuống thuyền chạy trốn ra biển Đông để vào đất Gia Định. Tới vùng đầm Đạm Thủy ai nấy khát nước mà nhìn đâu cũng toàn nước mặn, vào xin nước uống của dân thì sợ gặp quân Tây Sơn đánh, Nguyễn Ánh bèn ngửa cổ lên trời mà van vái: “Nếu Hoàng Thiên chưa dứt nhà Nguyễn thì xin ban cho nước ngọt”, rồi sai quân đào cát bên mép đầm. Lạ thay, đào đâu trúng nước ngọt đó, chúa Nguyễn liền đặt tên đầm là đầm Đạm Thủy (đầm Nước Ngọt).

Mẹ tôi kể: khi thực dân Pháp đổ bộ lên cửa Đề Gi, phát hiện ra đầm Đạm Thủy có độ mặn dịu, làm muối rất tốt, bèn bắt dân làng ra khai mở ruộng muối chung quanh đầm.

Trên cửa Đề Gi, Pháp xây Sở Muối, có sân phơi và kho muối to. Dân làm muối phải gánh muối về sân phơi, ai lỡ đổ hột muối nào là bị viên cai đội đánh bằng roi mây tron trót lên người.

Sau một ngày oằn vai gánh muối do mình làm ra dưới cái nắng chang chang, phu muối cùng ngồi xếp hàng trên sân muối, chờ viên cai đội tới chấm công bằng cách cầm cây gậy đi nhìn mặt và đánh “cốp” lên đầu người nào thì người đó phải ôm đầu chạy ra đứng xếp hàng.

Chỉ người nào bị hắn đánh gậy lên đầu mới được lãnh tiền công trong ngày, còn không thì hắn quịt hết.

Làm muối mà không có muối ăn, ai lén lấy một nắm muối bỏ túi, cai đội thấy được là bắt tội “ăn cắp”, đem nhốt bỏ đói và đánh đập tàn nhẫn.

Cậu tôi cũng là nhân chứng, kể: muốn có muối ăn, khi rửa muối trong hồ nước sạch, lén lắc gánh cho muối đổ xuống hồ. Muối ngâm trong nước hồ mặn lâu tan, nửa đêm mình lén ra hồ vớt muối ấy đem về cất giấu để ăn.

Giặc Pháp tan rồi, đầm Đạm Thủy trở thành nguồn sống của dân. Nơi đây có rất nhiều loài hải sản ngon nổi tiếng. Lũ nhỏ chúng tôi đi học về, thường theo người lớn ra đầm giậm ghẹ vào lúc thủy triều xuống, bày bãi cát vàng quanh đầm.

Mỗi người một cây sào; đầu sào treo cái giỏ đựng ghẹ và quần áo cột gọn lên đó. Khi giậm, hai gót chân chụm hình chữ V, bước chậm. Hễ giậm trúng ghẹ thì cắm sào để vịn mà ngồi thụp xuống nước, lòn bàn tay bắt con ghẹ dưới lòng bàn chân lên.

Gặp ghẹ quá to thì nhờ người khác nhấn đầu đặng ngồi cho vững, dùng cả hai tay mà bắt ghẹ. Có khi giậm ghẹ lại được sam.

Sam nằm có cặp, con đực thường chỉ bằng nửa con cái mà “đeo như sam” nên khi bắt là bắt được cả cặp. Sam cái đầy thịt ngọt và trứng béo ngậy.

Tôi xa quê từ lúc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Sau 40 năm hòa bình xây dựng, tôi trở về Đề Gi.

Hiện nay có hai lối đi Đề Gi, lối cũ từ đường quốc lộ 1A rẽ sang chợ Gồm chạy miết về; lối mới từ thành phố Quy Nhơn qua khu công nghiệp Nhơn Hội, rẽ sang tuyến đường mới mở cặp chân núi và bờ biển Đông mà về.

Tôi về Đề Gi mà như đi trên xứ lạ: dấu binh lửa xóa nhòa, phố xá, hàng quán sầm uất. Bên cửa Đề Gi, cảng cá, ghe tàu cá neo đậu san sát.

Từ Đề Gi đi vòng bờ đầm Đạm Thủy, đồng muối Ngãi An từ cầu Ngòi đến tận chân núi Gành. Đi vòng chân núi và chợ Gành lại gặp đồng muối Cát Minh. Muối trắng vun từng đụn như đồi tuyết.

Ở Bình Châu (Bà Rịa Vũng Tàu) dân vùng này vào lập nghiệp khá đông và họ luôn chở muối theo, bởi họ tin chỉ có muối Đề Gi mới làm ra được nước mắm ngon truyền thống có màu vàng óng ánh, để nguyên chất, rót ăn trực tiếp mới cảm nhận hết cái hương vị thơm ngon đặc trưng của nó.

Cửa Đề Gi bây giờ đã nâng cấp thành cảng biển và cảng cá. Ngày xưa, tôi chỉ thấy ngư dân đi biển bằng ghe hoặc thúng nan tre. Bây giờ, tôi lạ lẫm trước những tàu cá – gỗ và sắt – chạy động cơ diesel rẽ sóng, lừng lững đi khơi về lộng.

Ngư dân bảo “bây giờ đánh cá đại dương mới đã” (họ gọi cá to là cá đại dương, cá nhỏ là cá ven bờ). Theo tư liệu, vùng biển Bình Định (có Đề Gi) thống kê được 500 loài cá (38 loài cá kinh tế, 65% cá nổi, 35% cá đáy gồm cá đại dương và cá ven bờ), chưa kể các loại tôm, mực…

Ai cũng bảo đến Đề Gi mà không ăn gỏi cá thì cũng như chưa đến. Tôi đã đưa vợ con ở miền Tây về quê ăn gỏi cá cơm, cá trích Đề Gi với nước chấm tổng hợp nhiều loại trái cây, ngon tuyệt. Ở đây còn có món gỏi sứa biển. Chao ơi, tôi nhớ hồi nhỏ hay theo chân người lớn đi ra biển vớt sứa.

Mùa sứa thường vào tháng tư âm lịch trở đi. Con sứa vớt về, dùng lá duối chà xát cho sạch nhớt, chỉ còn một màu sáng xanh như thủy tinh, đem xắt lát nhỏ trộn với các loại rau thơm, đậu phộng và mè rang giã nhỏ, ăn nghe giòn tan.

Lại còn món cá mú xắt lát mỏng chấm mù tạc, món cá hồng chưng, cá bớp nấu lẩu chua và cá nhám nhúng giấm.

Trên đầm Đạm Thủy, dưới chân núi Gành, có mấy nhà hàng đặc sản biển nằm trên mặt đầm. Mời bạn đến quê biển của tôi để ngoạn cảnh “tam sơn tứ hải” và thưởng thức hương vị biển / núi và rừng mà xem!

Recommended For You