Lai rai chữ nghĩa: “khuất tất”

Ngôn ngữ và văn tự cũng có quy luật “sinh, trụ, dị, diệt” của nó, có nghĩa là chúng được sinh ra, tồn tại trong sinh hoạt đời thường hoặc trong tác phẩm văn học, rồi dần biến đổi theo thời gian. Sau đó, đôi khi chúng biến mất hẳn.

Thế hệ chúng ta đọc thơ văn các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… cũng khó lòng mà hiểu được, nếu không có các nhà chú giải. Có phải riêng ta đâu. Thế hệ sinh viên Anh hiện đại cũng khó mà đọc hiểu được Shakespeare, cũng như sinh viên Pháp hiện nay không dễ gì mà đọc được Racine, Molière. Còn sinh viên Trung Quốc thì hầu như “mù tịt” trước kho tàng Đường thi viết bằng chữ phồn thể truyền thống.

Nhưng chưa bao giờ tiếng Việt lại bị tác động mạnh đến thế như hiện nay. Những từ mới xuất hiện đã đành, nhưng cấu trúc chắp vá kỳ lạ theo kiểu “đầu Ngô mình Sở” như “game thủ”, “cần thủ”, “cát tặc”… lạ lẫm với tiếng Việt. Đó là chưa kể đến loại ngôn ngữ và lối viết tắt khó hiểu của lứa tuổi teen.

Có một từ lạ lẫm nhưng lại phổ biến trên báo chí, thậm chí bị lạm dụng quá mức, mà chúng ta hầu như cứ mặc nhiên chấp nhận ý nghĩa của nó mà không thắc mắc nguồn gốc từ đâu. Đó là từ “khuất tất”, mà cách sử dụng nhiều khi rất tùy tiện.

Hiện nay, từ “khuất tất” bị lạm dụng trên báo chí, với ý nghĩa là “khúc mắc” hoặc “uẩn khúc”, để biến thành nghĩa là “mờ ám”, “đáng nghi ngờ”. Mà cái này thì từ Hán Việt thường dùng là “ẩn tình”, dùng để chỉ tình trạng bí mật còn ẩn giấu.

Trong thời gian gần đây, do chiếm ưu thế trong việc truyền đạt thông tin, báo chí đã “góp phần” làm rối rắm và tối nghĩa tiếng Việt bằng cách sử dụng quá đỗi tùy tiện những từ mới mà không truy cứu từ nguyên, vô tình biến tiếng Việt thành con chữ vô hồn, xa lạ với cả người Việt. Đó là chưa kể đến những nhà “ngôn ngữ học” nổi tiếng hiện nay đang cố sức đem những kiến thức lai tạp hổ lốn biến nồi canh hẹ tiếng Việt thành một cái lẩu thập cẩm không còn hình dạng!

Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị (NXB Thời Thế, Sài Gòn, 1952) định nghĩa: “Khuất tất: (động từ) uốn gối; (nghĩa bóng) lòn cúi, luồn lụy”. Còn Từ điển Tiếng Việt của Văn Tân và Nguyễn Văn Đạm (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, in lần thứ hai) định nghĩa “Khuất tất: luồn lọt, quỳ lụy: người có tiết tháo không bao giờ chịu khuất tất”.

Đó là tự điển ta, còn tự điển Tàu, cũng định nghĩa không khác. Tân biên cổ kim Hán ngữ đại tự điển định nghĩa “khuất tất” là “hạ quỵ”: nghĩa là “quỳ gối”, hàm ý là “chịu khuất, chịu lòn cúi theo người”. Tự điển Văn Lâm (Wenlin) cũng định nghĩa “khuất tất” như thế, và còn nêu các ví dụ như: “Khuất tất cầu sủng” (quỳ gối xin ân sủng), “Khuất tất cầu hòa” (quỳ gối xin hòa), “Khuất tất cầu hàng” (quỳ gối xin hàng).

Ta thử đọc chơi vài đoạn trong truyện kiếm hiệp, liên quan đến “khuất tất”.

“Nhân Yêu Kim Linh Quan thủng thẳng cười nói:

– Xin La bằng hữu tạm thời hãy trở gót. Kim mỗ ước hẹn một vị bằng hữu tới đây rồi hãy đi. Hai đầu đường lại chẳng phải chỉ có một mình La bằng hữu. Muốn được công bằng, Kim mỗ đành khuất tất bằng hữu một chút, xin bằng hữu rộng lượng cho”.

“Trường Mi đại sư đáp:

– Bao thí chủ quy ẩn đã lâu, cách biệt giang hồ đã lâu mà bảo đi kiếm hành tung bọn họ thì quả là việc khó khăn. Lão tăng đã trù liệu giúp Bao thí chủ, có điều khuất tất thí chủ một chút.

Bao Nhất Thiên nói:

– Tại hạ đã ưng lời thì còn nề hà gì chuyện khuất tất với chẳng khuất tất”.

“Vương Ngọc Yến lại nói:

– Công tử vừa bảo chưa hiểu công chúa đẹp hay xấu, tử tế hay lăng loàn, thế mà vì ta công tử lại đi thành thân cùng nàng, chẳng hóa ra… ta khuất tất công tử nhiều quá ư?

Đoàn Dự không ngần ngừ gì đáp ngay:

– Miễn sao được việc cho cô nương, còn đối với tại hạ, khuất tất hay không khuất tất phỏng có chi đáng kể? … Không phải tại hạ vì cô nương mà chịu khuất tất đâu. Tại hạ đã vâng mệnh gia gia phải tìm cách lấy cho bằng được công chúa nước Tây Hạ, đạo làm con phải tận hiếu với song thân. Việc này không can dự gì đến cô nương”. (https://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/luc-mach-than-kiem-hoi-132-2752997.html).

Có người còn giải thích “khuất tất” nghĩa là “che khuất tất cả”. Cách hiểu đó thực sự người viết không dám hiểu theo!

Những ai còn thiết tha với tiếng Việt không khỏi cảm thấy lo lắng, khi mà trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, tiếng Việt đang ngày càng mất đi sự trong sáng mà ta đã gặp trong các tác phẩm của các thế hệ đi trước, đặc biệt trong các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn.

Hiện tượng khúc xạ ý nghĩa của từ Hán Việt vẫn thường xảy ra trong quá trình tiến hóa của ngôn ngữ. Chẳng hạn như từ “tử tế” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “tỉ mỉ, cẩn thận”, nhưng trong tiếng Việt lại có nghĩa là “tốt bụng”! Có lẽ “khuất tất” cũng nằm trong trường hợp đó chăng?

Tạm thời, những người còn yêu tiếng Việt hãy chịu khó “khuất tất” để bớt thấy khó chịu khi đọc những trang sách tiếng Việt!

LIÊU HÂN

Minh họa: HIỂN TRÍ

Nguồn: Báo Quảng Nam

Recommended For You