Lần đầu tiên Việt Nam nhân bản thành công heo ỉ

Các nhà khoa học của Viện chăn nuôi, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ nhân bản heo ỉ từ tế bào soma mô tai (trưởng thành).

Từ tháng 7/2020, Viện chăn nuôi đã tổ chức triển khai đề tài “Nghiên cứu tạo heo ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma” thuộc “Chương trình trọng điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” với đội ngũ các nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu trong chuyên môn hẹp, có nhiều kinh nghiệm, cùng với sự đam mê và tinh thần trách nhiệm cao đã triển khai thực hiện nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ tạo động vật nhân bản bằng cấy chuyển nhân tế bào soma.

Theo TS. Phạm Công Thiếu, viện trưởng Viện chăn nuôi, tuy điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, các nhà khoa học vẫn nỗ lực vượt qua để nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện thành công công nghệ nhân bản động vật.

Đó là các quy trình: tạo dòng “tế bào cho” từ mô tai heo ỉ sử dụng trong quá trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi heo nhân bản; tạo dòng “tế bào nhận” có màng sáng hoặc không có màng sáng được sử dụng cho quá trình cấy chuyển nhân tế bào và tạo phôi heo nhân bản; cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi heo nhân bản với tỷ lệ tạo phôi nang heo ỉ nhân bản đạt cao; cấy chuyển phôi heo nhân bản.

Ưu điểm của phương pháp này dễ thao tác khi cấy chuyển nhân “tế bào cho”, tạo được nhiều phôi trong thời gian ngắn.

Mặt khác, việc cấy chuyển phôi heo 5 – 6 ngày tuổi đã nâng cao tỷ lệ thụ thai từ 24% (ở mức trung bình trên thế giới) lên 61%. Chính vì vậy, ngày 10/3 đã có 4 con heo ỉ nhân bản ra đời, khỏe mạnh và phát triển tốt.

Theo ông Phạm Công Thiếu, thành tựu nổi bật này đã mở ra các hướng nghiên cứu mới về ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống; bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, động vật quý hiếm; kết hợp công nghệ nhân bản động vật với công nghệ chỉnh sửa gen để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra những con heo nhân bản theo ý muốn, phục vụ cho việc cấy ghép nội tạng trong tương lai.

Nhằm bảo vệ những con heo ỉ bản địa còn lại, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chuyển giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam từ năm 2016.

T.L

Recommended For You