Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) mang dấu ấn của tuổi trẻ Quảng Ngãi đã được nhân rộng ở nhiều nơi và dần trở nên quen thuộc đối với người dân; từng bước thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt chuyển sang quét mã QR Code, chuyển khoản.
Nỗ lực ở một huyện miền núi
Vài tháng trở lại đây, bên cạnh hình thức trả tiền mặt, nhiều cửa hàng, quán ăn ở đường Phạm Văn Đồng, tổ dân phố Tài Năng, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) đã khuyến khích khách hàng chọn giải pháp thanh toán trực tuyến, cùng nhau góp sức, xây dựng tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt. Hiệu vàng Thành Tâm là một trong những cửa hàng ở địa phương tiên phong hưởng ứng.
Bà Võ Thị Cúc (37 tuổi), chủ cửa hàng cho hay, trước đây, khi phương thức thanh toán tiền mặt còn phổ biến, các khách hàng đến giao dịch, mua vàng thường mang theo số tiền khá lớn. Từ khi triển khai thanh toán trực tuyến, khách hàng hạn chế mang tiền mặt đến giao dịch. Đến nay, hơn 50% khách hàng đều sử dụng phương thức TTKDTM, tránh tình trạng cướp giật xảy ra. An ninh, trật tự trên địa bàn vì thế được đảm bảo hơn.
Theo bà Cúc, để khuyến khích khách hàng không dùng tiền mặt, cửa hàng luôn đặt mã QR Code ngay tại quầy tính tiền. Khi khách hàng đến, nhân viên sẽ hỏi khách hàng chọn phương thức thanh toán nào, ưu tiên gợi ý quét mã QR Code. Khi người dân không thể quét mã hoặc không còn lựa chọn nào khác, mới chọn giải pháp sử dụng tiền mặt.
Bí thư Huyện đoàn Ba Tơ Phạm Thị Chiến chia sẻ, TTKDTM đang trở thành xu thế ngày càng phổ biến, bởi sự tiện lợi, như: Không phải gặp gỡ trực tiếp, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, an toàn trong giao dịch… Với ý nghĩa đó, Huyện đoàn Ba Tơ triển khai thí điểm mô hình trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ cầu Nước Ren đến cầu Tài Năng, với sự tham gia của khoảng 11 hộ dân.
Ở vùng cao, việc triển khai mô hình còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí, mức sống không đồng đều. Việc sử dụng các ứng dụng số, kiến thức về các dịch vụ thanh toán của ngân hàng còn hạn chế. Đó là chưa kể, trên địa bàn huyện chỉ có Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) hoạt động. Thiếu ngân hàng, trụ ATM không chỉ gây khó khăn cho người dân ở các xã xa trung tâm thị trấn mà còn không khuyến khích được người dân mở tài khoản ngân hàng. Nhiều vùng lõm sóng di động chưa có kết nối internet để sử dụng các dịch vụ tiện ích cũng là một rào cản.
Việc thay đổi thói quen trong thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán trực tuyến là một hành trình khó khăn, cần nhiều thời gian để thay đổi được nhận thức, suy nghĩ của người dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần thiết phải có những mô hình cụ thể, giúp người dân thấy được lợi ích khi tham gia. Tuyến đường TTKDTM do tuổi trẻ huyện nhà xây dựng, đã từng bước góp phần “tháo gỡ điểm nghẽn” cho địa phương, tác động tích cực đến người dân.
“Các đoàn viên, thanh niên thường xuyên gặp gỡ; thiết kế, trao tặng các mã QR Code; tương tác, hướng dẫn kịp thời để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời cập nhật các ứng dụng số, cách chuyển khoản an toàn, phòng ngừa rủi ro mất tiền trên không gian mạng… để việc triển khai tuyến đường mang lại hiệu quả cao”, chị Chiến cho hay.
Đi vào đời sống nông thôn
Trở lại thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức), một trong những địa phương thí điểm xây dựng tuyến đường TTKDTM đầu tiên trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cảm nhận được tinh thần chuyển đổi số đang lan tỏa khắp xã nhà. Không chỉ 27 hộ dân đăng ký tham gia tuyến đường mà mỗi một người dân trong thôn nay đã dần quen với phương thức thanh toán này. Thay vì mang theo tiền khi ra đường, họ thường xuyên sử dụng QR Code để thanh toán, chuyển khoản.
Ông Phạm Ngọc Vũ (40 tuổi), ở thôn Văn Hà chia sẻ, trước đây, tôi nghĩ TTKDTM chỉ áp dụng khi mua bán các mặt hàng có giá trị lớn nhưng nay uống 1 ly cà phê, mua gói bánh hay cặp pin về ráp đồng hồ… cũng có thể thanh toán bằng cách quét mã QR Code hoặc chuyển khoản.
“Làng tôi giờ là làng số, làng thông minh rồi. Ra đường, tiền mặt không phải là thứ thiết yếu nhất để mang theo, có chiếc điện thoại thông minh là có thể thanh toán, mang về những thứ mình cần.
Nhiều lúc không có tiền, cần mua hàng hóa hay phân bón, thuốc trừ sâu, chỉ cần gọi điện thoại cửa hàng thân quen là họ mang đến ngay. Tới vụ lúa, có tiền thì mình chuyển khoản lại, rất tiện lợi và tiết kiệm được thời gian”, ông Vũ chia sẻ.
Phó Bí thư Đoàn xã Đức Phong Võ Thúy Diễm Hương cho hay, tuyến đường TTKDTM ở thôn Văn Hà được triển khai thí điểm từ tháng 9/2023, do Huyện đoàn Mộ Đức phối hợp cùng địa phương triển khai thực hiện. Các hộ dân tham gia được hỗ trợ mở tài khoản Viettel Money và trang bị bảng mã QR Code miễn phí. Từ thành công của mô hình, địa phương đang nhân rộng thêm một số tuyến đường khác, góp phần xây dựng xã hội số, công dân số.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 tuyến đường TTKDTM được triển khai, mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ. Ngoài 3 tuyến đường ở TP.Quảng Ngãi, nhiều tuyến đường ở nông thôn, miền núi đã được hình thành. Trong đó, có 1 tuyến ở huyện Mộ Đức, 1 tuyến ở TX.Đức Phổ, 2 tuyến ở Ba Tơ và 1 tuyến ở huyện Sơn Tịnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Lê Văn Vin cho hay, giao dịch TTKDTM là hình thức thanh toán ứng dụng khoa học, công nghệ vào trong lĩnh vực tiền tệ, tác động nhiều mặt đến nền kinh tế – xã hội; giúp cho quá trình thanh toán dễ dàng, đơn giản, an toàn. Người dân ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được các dịch vụ trên nền tảng internet một cách nhanh chóng; tạo nên nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những tuyến đường TTKDTM được hình thành trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức, tư duy cho đoàn viên, hội viên, thanh niên và người dân về công tác chuyển đổi số; dần hình thành thói quen trong sinh hoạt, làm việc, sản xuất kinh doanh trên môi trường số.
Bài, ảnh: THIÊN HẬU
* Hình bìa: Người dân huyện Ba Tơ thanh toán trực tuyến để mua vàng.
Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử
“Theo kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 13/9/2022 của UBND tỉnh, đến năm 2025, Quảng Ngãi đặt mục tiêu TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50% và có 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch điện tử, góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số… Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp được đặt ra. Trong đó, cần chú trọng thúc đẩy thói quen TTKDTM của người dân thông qua việc gia tăng các tính năng, tiện ích của dịch vụ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về TTKDTM trong các cơ quan, đơn vị, nơi thí điểm. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh, phổ biến kiến thức về các hành vi lừa đảo, nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân cho người dùng”. Phó Giám đốc Sở TT&TT NGUYỄN QUỐC HUY HOÀNG. |