Liên kết chuỗi giúp hợp tác xã đứng vững trên thị trường

    Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nông sản, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cần tập trung xây dựng chuỗi liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, HTX và các nhà phân phối để khẳng định vị thế nông sản ở thị trường trong nước, từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Đồng thời, kết hợp đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng các kỹ thuật mới, phát triển các sản phẩm mới.

    Để tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp phát triển nông nghiệp, nhiều năm qua TP.HCM đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ trong liên kết chuỗi sản xuất và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

    Qua đó giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của xã viên, HTX và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản.

    Đơn cử, chương trình xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020, tập trung xây dựng 3 chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng tiêu thụ nông sản an toàn là chuỗi thủy sản, chuỗi thịt heo và chuỗi rau, củ, quả.

    Trước kia, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu đảm nhiệm vai trò cung cấp về phân bón, vật tư nông nghiệp và hỗ trợ thành viên trong hoạt động sản xuất. Khi đó, hầu hết các thành viên HTX vẫn phải tự tìm đầu ra, chịu ảnh hưởng bấp bênh của thị trường, tình trạng “được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa”. Không chủ động đầu ra cho nông sản, dẫn đến hoạt động sản xuất hiệu quả thấp, đời sống thành viên HTX gặp nhiều khó khăn.

    Hiện nay, hầu hết các HTX đã nhận thức rõ được xu thế tất yếu của liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ trong phát triển nông nghiệp. Hơn nữa, chuỗi nông sản không chỉ đơn thuần là liên kết tiêu thụ sản phẩm, mà còn phải tăng cường mối quan hệ bền vững giữa nhà sản xuất – doanh nghiệp (tiêu thụ) và ngân hàng ngay từ giai đoạn đầu tiên của sản xuất nông nghiệp.

    Nhiều cán bộ HTX cho rằng, hiện nay cơ bản HTX đã làm chủ được quy trình, kỹ thuật tạo ra sản phẩm tốt. Tuy nhiên còn thiếu và yếu trong khâu xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu sản phẩm. Vì vậy, khi liên doanh với doanh nghiệp tiêu thụ cũng là cơ hội tuyệt vời để quảng bá sản phẩm tốt đến được tay người tiêu dùng theo đúng giá trị thực.

    Theo báo cáo của Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM, đến nay trên địa bàn thành phố đã có 14 HTX sản xuất, kinh doanh rau an toàn có liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Với tổng diện tích sản xuất là 294.4 ha, mỗi ngày các HTX cung cấp ra thị trường 39,9 tấn. Các HTX rau an toàn này đã có hợp đồng cung cấp cho các hệ thống siêu thị, trường học, bếp ăn, khu công nghiệp, khu chế xuất… trên địa bàn thành phố.

    Anh Nguyễn Hữu Khoa, giám đốc HTX Rau Sạch Nên Ăn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) chia sẻ: “Liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ là hướng đi tất yếu của HTX nông nghiệp nếu muốn phát triển kinh tế bền vững.

    Ngay từ khi mới thành lập HTX Rau Sạch Nên Ăn đã xác định bắt buộc phải xây dựng mô hình liên kết chuỗi.

    Thị trường nông sản trên địa bàn thành phố có sự cạnh tranh rất lớn, do đó muốn có chỗ đứng cần phối hợp sản xuất nhịp nhàng với thành viên HTX, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu 100% sản phẩm nông sản.

    Từ đó, đầu tư khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao chất lượng và cung cấp sản phẩm tốt cho doanh nghiệp mang đến người tiêu dùng”.

    Trước những hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản giữa hộ nông dân – HTX – doanh nghiệp, có thể khẳng định được sự cần thiết của liên kết chuỗi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, khuyến khích các hộ nông dân tham gia vào HTX, thu hút doanh nghiệp đầu tư và trở thành đầu mối tiêu thụ nông sản.

    AN CHI

    Recommended For You