Lưu ý khi chăm sóc cây mai sau tết

    Sau tết, những “nàng mai” bắt đầu tàn tạ nhan sắc và cần được chăm sóc để năm sau có mai đẹp chơi tết. Việc chăm sóc mai sau tết cần làm sớm ngay từ trước rằm tháng giêng âm lịch.

    Tỉa cành và bón phân cho cây

    Cành mai nên được tỉa trước ngày 15 tháng giêng và chậm nhất là ngày 20. Tùy vào hình dạng và kích thước của mai mà bạn có cách tỉa cho phù hợp, có thể là tỉa theo dáng cây thông – cành trên ngắn hơn cành dưới. Thông thường bạn sẽ cắt bỏ 1/3 cành mai đi.

    Dùng khoảng 1 muỗng cà phê phân urê pha với 10 lít nước để phun lên cây và tưới quanh gốc cây.

    Nếu thấy cây hồi sức lại và đâm chồi xanh thì không cần phun thuốc kích thích chồi lá, còn nếu không thì bạn cần phun thuốc với liều lượng như hướng dẫn trên bao bì.

    Khi thấy cành mai không phát triển nhiều, bạn dùng thêm 1 g thuốc GA3 pha cùng 30 – 40 lít nước để phun lên cây và tưới quanh gốc.

    Khi cây đã hồi lại thì đưa cây ra nắng để cây thích nghi dần dần. Làm như vậy sẽ giúp mai ra lá và chồi rất nhanh. Lưu ý là ở thời điểm này do mai có nhiều lá non cộng với thời tiết nắng ấm nên các loại sâu bệnh hại, đặc biệt là bọ trĩ rất dễ xâm nhập vào cây. Bạn cần pha chung hai loại thuốc có hoạt chất hexaconazole (Anvil) và fipronil (Regent) để phun lần đầu sau khi tỉa cành khoảng 10 ngày và phun lần hai khi cây vừa nhú mầm và lần cuối sau khi lá cây vừa già.

    Nếu là năm bình thường thì bạn nên tỉa tán mai vào khoảng từ ngày 10 – 20, còn năm nhuận thì có thể tỉa tán muộn hơn.

    Việc tỉa tán rất quan trọng vì sẽ giúp tạo lại dáng, tán lá cho cây. Khi cành bị cắt đi, chồi non sẽ phát triển thành cành mới, mang theo chồi trên nách lá – chồi này có thể phát triển thành cành mới hoặc thành nụ (phụ thuộc vào quang kỳ, phân bón, nhiệt độ và một số yếu tố khác).

    Cần chú ý cắt tỉa cành cây bởi những cành không được tỉa sẽ thường bị nấm bệnh và không cho ra nhiều hoa bằng các cành được tỉa. Cách tỉa mai vàng càng gần thân cây thì cành sẽ càng phát triển mạnh.

    Vệ sinh cây

    Sau khi tỉa cành mai xong thì công việc tiếp theo chính là vệ sinh cây.

    Cách làm rất đơn giản, bạn có thể dùng vòi nước phun mạnh vào cây cho bong tróc hết rong rêu nấm mốc hoặc dùng phân urê pha thật đặc để phun vào cây, đặc biệt là những chỗ có nhiều nấm mốc.

    Chú ý: tuyệt đối không để phân urê chảy xuống gốc (có thể dùng túi nylon để che gốc).

    Sau khi phun được khoảng 10 phút, dùng bàn chải chà thật mạnh lên cây để đánh bật nấm mốc ra.

    Thay đất, sang chậu nếu cần

    Có thể thay ngay đất bạc màu hoặc thay chậu đối với những gốc mai chỉ cắt tỉa sơ.

    Còn đối với những cây mai cắt tỉa nhiều thì nên chờ hơn một tháng sau mới thay đất hoặc chậu.

    Các công đoạn chăm sóc mai cần xong xuôi trước rằm tháng ba âm lịch để tránh tiết trời oi bức những ngày cuối xuân, giữ cho mai không bị khô héo.

    HIẾU NHÂN

    Recommended For You