Với riêng tôi, mỗi lần nghĩ về mái nhà tranh, hình ảnh bóng quê hiền hòa, thuần hậu lại hiện lên mơ màng.
Tôi quen với họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, trước đây công tác ở Bảo tàng Quảng Nam, anh luôn trăn trở về những di sản cổ. Ngay nơi ở, anh cũng từng dựng cho mình ngôi nhà mái lợp tranh rất “kỳ lạ” tại TP.Tam Kỳ. Sau này chuyển về vùng quê gần Mỹ Sơn (Duy Xuyên) sinh sống, anh cũng dựng cho mình nếp nhà tranh bình dị ở rất mát mẻ.
Còn tôi, về quê vào những ngày giữa thu nhưng cái nóng của buổi trưa phả vào mặt người rất khó chịu! Vào trong nhà rồi nhưng hơi hầm hập như đeo bám mãi. Tôi chia sẻ với bạn đồng hành: hồi trước về quê ngày này đâu có như vậy, không khí mát dịu, cuộc sống trong lành… Bây giờ người ta thường đổ lỗi tất cả là do thời tiết cực đoan, hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên.
Mưa lạnh làm tôi nhớ tưởng về những ngày đông tháng giá tôi từng vui vầy cùng mẹ cha dưới mái nhà tranh.
Có một chuyện xưa là có lần tôi được nghe cha kể: Hồi ấy nhà ông nội tôi đẹp và mát nhất nhì trong làng. Tuy chỉ nhà mái tranh thôi, nhưng vào hè ở thì mát mẻ, đông về lại ấm áp.
Người dân đi làm đồng hay bạn bè của ông thường vào nghỉ trưa và chuyện trò. Có một chuyện nghe kể từng cuốn hút tâm trí tôi những ngày còn tuổi nhỏ. Ấy là lúc ông tôi thay lại mái nhà.
Vẫn mái tranh nhưng khối lượng tranh thì ông phải chuẩn bị cả năm. Trao đổi lúa lấy tranh với người trên nguồn. Hoặc nhắn nhe ai có gánh tranh thì đem bán cho ông.
Ông tôi là tộc trưởng nên khi sửa nhà bà con trong họ tự nguyện đến giúp rất đông. Người giũ tranh, chải tranh, chẻ hom, chuốt mây… Họ làm kỹ lưỡng, miệt mài từ sáng đến tối, ngày nọ qua ngày kia. Tranh cột thành bó, chất đống một góc nhà. Khi đầy đủ, ông tôi nhờ những người thành thục giúp việc đánh tranh.
Ông chọn đánh tranh hom 3 (3 cặp đôi). Mỗi tấm tranh chiều dài khoảng 1,2m, khi đánh hom 3 thì tấm tranh khá dày và nặng. Mỗi lần đưa tranh lên lợp phải hai người, cầm hai con sào nhịp nhàng đẩy lên mái, cốt tránh hom bị gãy.
Khi tranh đặt để ngay ngắn, người cột lạt mây phải nhớ nguyên tắc xỏ mặt, bắt trái để không bị sừng trâu. Mối lạt siết chặt, sít sao, ôm sát thanh mè, dây bong lỏng là người phía dưới liền nhắc nhở. Ngày lợp mái, bà con đến giúp rất đông. Rồi khi chiều tàn mái nhà cũng hoàn tất.
Sau khi cơm nước xong bất ngờ ông tôi bảo bà con: ngày mai cũng số người này đến giúp tôi bữa nữa. Bà con thắc mắc, làm gì nữa ông. Rồi ông nhẹ nhàng dắt vài vị lớn tuổi vào nhà chỉ lên trần mái: các chú thấy không, lòi thòi cái đầu tranh, nhìn không đẹp.
Ngày mai tôi muốn bà con giở hết tranh xuống và lợp sao cho những đầu tranh được che bởi bảng mè. Bảng mè hồi ấy lớn (10cm), có thể đầu tranh xê lên xịch xuống dễ dàng. Cuối cùng việc lợp nhà cũng xong. Mái lợp dày, khi cắt đuôi tranh sẽ lộ ra khoảng dày của nó (từ 25cm trở lên). Mái tranh lợp kỹ vòng đời có thể tồn tại khoảng 15-20 năm.
Nghe đài báo miền Trung có mưa dầm và gió lạnh. Mưa – lạnh làm tôi nhớ tưởng về những ngày đông tháng giá tôi từng vui vầy cùng mẹ cha dưới mái nhà tranh. Đông về mưa lạnh nhưng tâm hồn trẻ con lại ấm áp vô cùng.
Ấm nghĩa mẹ tình cha trong mái nhà lá đơn sơ với bao tấm lòng rộng mở. Bây giờ bước qua bên kia triền dốc của đời người, mỗi khi nhớ lại tôi hoài vọng về những ngày đông dài dằng dặc, mưa dầm lê thê…
Nghĩ về Huy Cận với bài thơ “Buồn đêm mưa” viết lúc ông còn trẻ, tuyệt hay. Bài thơ ấy theo cùng tôi năm tháng mỗi lần nhắc lại gợi lên một nỗi buồn mênh mông:
“Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn”.
Nước giọt mái nhà là nước nhỏ của mái tranh. Nhà văn Khuất Đẩu trong bài “Mái nhà năm xưa” ông có cái khoái rất đơn sơ như thú nghe mưa. Mưa nhỏ những giọt tranh chuỗi dài bất tận. Ông ví von, giọt mưa sợi căng, sợi dãn; sợi mưa lúc khoan lúc nhặt của cây hạc cầm lớn (đuôi mái tranh nhỏ từng giọt mưa như những sợi dây đại hạc cầm) hòa tấu cùng ban nhạc đồng quê: tiếng dế violon, tiếng nhái banjo, tiếng ếch đại hồ cầm và ễnh ương như contrabass…
Nghĩ về mái nhà tranh như trở lại với ngày nao khuất dấu. Làng quê ấy, mái tranh xưa ấy và những người thương yêu nay biết tìm đâu…
ĐÌNH QUÂN
Nguồn: Báo Quảng Nam