‘Mành trúc Tân Thông Hội’ hướng đến thị trường xuất khẩu

    Nhờ nỗ lực bám nghề và chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề của thành phố, dù đứng trước nhiều khó khăn nhưng làng nghề mành trúc ở huyện Củ Chi (TP. HCM) đã và đang khẳng định được vị thế của mình ở những thị trường lớn như Mỹ, Úc, châu Âu và Nhật Bản với sản lượng xuất khẩu gần 1 triệu USD/năm.

    Nghề mành trúc đã trải qua hơn 30 năm thăng trầm, theo ông Nguyễn Hữu Bèn, chủ cơ sở mành trúc duy nhất còn hoạt động đến ngày nay tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi cho biết: Từ khi chuyển sang sản xuất cho các đối tác khác, dù có sự đòi hỏi khắt khe, nhưng nghề mành trúc có tiềm năng phát triển tốt hơn.

    Những năm gần đây, cơ sở của ông Bèn cho xuất khẩu trên 100.000 tấm mành trúc/năm, đạt khoảng 1 triệu USD. Hiện tại thị trường Mỹ chỉ chiếm 20%, nhưng đây đang là thị trường chủ yếu đặt hàng cao cấp và có tiềm năng phát triển nhất; thị trường châu Âu chiếm tới 70% các đơn đặt hàng đều là những mặt hàng phổ thông, giá trị không lớn; 10% còn lại là thị trường Úc, Nhật Bản và một số nước khác.

    Nghề làm mành trúc không quá vất vả và khắc nghiệt, mức thu nhập tại đây tính theo sản phẩm, trung bình một ngày thợ thủ công ở đây làm được 200.000 đồng, thợ lành nghề làm nhanh và làm những tác phẩm khó có thể thu nhập 400.000 đến 500.000 đồng/ngày. So với các ngành nghề chân tay khác thì mức thu nhập của nghề này không quá thấp, nhưng nó lại đòi hỏi sự tỉ mỉ cao và phải những ai thực sự yêu thích mới có thể gắn bó với nghề.

    Hiện tại cơ sở của ông Bèn đang là cơ sở sản xuất mành trúc duy nhất của nước ta nên không có sự cạnh tranh về chất lượng hay giá thành sản phẩm với các cơ sở khác, nhưng khách hàng lại là những người thẩm định sản phẩm rất khó tính. Để xuất khẩu thì đòi hỏi sản phẩm phải ngày một chất lượng và cải tiến hơn.

    Một tấm mành trúc được làm ra rất công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi tính nghệ thuật rất cao. Để cho ra được một tấm mành hoàn chỉnh, mang tính nghệ thuật cao đòi hỏi người thợ phải dồn hết tâm sức vào sản phẩm của mình. Cùng với đó là chất liệu làm nên tấm mành trúc cũng rất tỉ mỉ và kỳ công.

    Tuy nhiên, nghề mành trúc hiện không có hiệp hội nên mọi cải tiến đều do người thợ có nhiều kinh nghiệm tự nghiên cứu hoặc do khách hàng phản ánh, qua đó người thợ phải thay đổi để theo đúng nhu cầu của khách.

    Trong thời gian qua, thực hiện đề án Chương trình mỗi xã một sản xuất (gọi tắt Chương trình OCOP) của UBND TP.HCM, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội được hỗ trợ xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hứa hẹn sẽ ngày càng phổ biến không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước.

    Để hỗ trợ làng nghề tồn tại và phát triển, thành phố cũng đã áp dụng các chính sách ưu đãi về đất đai theo quy định tại Điều 3, Quyết định số 132/2000/ QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Quyết định số 2041/QĐ-UBND ngày 18/4/2012 của UBND TP.HCM về phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Cùng với Quyết định 655 hỗ trợ lãi suất cho làng nghề, từng bước làng nghề vượt qua khó khăn.

    D.C

    Recommended For You