Một số phòng khám tư nhân sử dụng tên gọi có cụm từ “bệnh viện” trên các quảng cáo, biển hiệu

Ngày 24/10, Sở Y tế TP cho biết, theo số liệu của Thanh tra Sở Y tế từ đầu năm 2204 đến nay đã có 10 cơ sở kinh doanh đăng ký chữ “bệnh viện” trong tên doanh nghiệp vi phạm pháp luật, bị xử lý vi phạm hành chính.

Trong số đó có 6 phòng khám chuyên khoa (gồm 1 phòng khám chuyên khoa mắt, 1 phòng khám chuyên khoa ngoại, 3 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 1 phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt); 3 phòng khám đa khoa, 1 cơ sở chăm sóc da. Ngoài ra còn có 1 cơ sở hành nghề thẩm mỹ nhưng không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Sở Y tế TP thông tin, thời gian qua, trên địa bàn TP, xuất hiện tình trạng một số phòng khám tư nhân sử dụng tên gọi có cụm từ “bệnh viện” trên các quảng cáo, biển hiệu. Điều này đã gây nhầm lẫn cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ y tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh tại các cơ sở này.

Khi tra cứu về thông tin doanh nghiệp trên địa bàn TP cho thấy hiện có ít nhất 184 doanh nghiệp tư nhân sử dụng tên khi đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư có chữ cụm từ “bệnh viện” nhưng không hoạt động theo mô hình bệnh viện. Trong số đó, có các doanh nghiệp khi đăng ký thủ tục hành chính để thành lập phòng khám buộc Sở Y tế phải cấp phép với tên gọi có cụm từ “bệnh viện” vì lý do phòng khám đăng ký lấy tên theo tên của doanh nghiệp đã được in trong giấy chứng nhận kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP đã quy định rõ các hình thức tổ chức và các điều kiện để cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, điều kiện cấp phép cho “bệnh viện” và “phòng khám” có sự khác biệt về quy mô, cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân sự cùng các điều kiện khác. Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của mỗi cơ sở y tế. Do vậy, việc các phòng khám sử dụng từ “bệnh viện” trong tên gọi không chỉ không đúng với chức năng, nhiệm vụ mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi và lòng tin của người dân.

Theo Sở Y tế TP, trước tình hình trên, các cơ quan chức năng cần cùng Sở Y tế cần xem xét và thực hiện một số kiến nghị và giải pháp. Trong đó, bổ sung các quy định pháp lý: Kiến nghị bộ, ngành và các đơn vị liên quan xem xét, bổ sung các quy định về việc đặt tên cơ sở y tế, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phòng khám nhưng sử dụng danh nghĩa tên “bệnh viện”.

Một trong những nội dung khác là siết chặt quy trình cấp phép. Theo đó, trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các quy định liên quan, đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Tài chính – Kế hoạch địa phương) xem xét, siết chặt quy trình thẩm định và từ chối cấp phép đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tên đăng ký không đúng hình thức tổ chức được quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể là đối với các doanh nghiệp xin đăng ký tên có ngành hoạt động không phải là bệnh viện nhưng đặt tên có cụm từ “bệnh viện”. Đồng thời kiến nghị việc các doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký tên là “bệnh viện”, trong trường hợp không đủ phạm vi hoạt động đầy đủ là một bệnh viện thì thực hiện việc điều chỉnh tên và không tiếp tục sử dụng từ “bệnh viện” trong tên gọi.

Cùng với đó là tiếp tục phối hợp các sở, ban ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, xử lý nghiêm đối với các cơ sở có sai phạm hoặc cố tình vi phạm nhiều lần, đặc biệt là các phòng khám thường xuyên nhận được phản ánh, khiếu nại từ người dân.

S. Hải

(Hình minh họa)

Nguồn: thanhuytphcm.vn

Recommended For You

Để lại một bình luận