Mùa thi: có thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ?

Để có trí nhớ tốt, phải đảm bảo ăn uống đủ: đạm, béo, đường – bột, vitamin và chất khoáng, tăng cường sữa (uống ít nhất 1 ly/ ngày), thịt, trứng, cá, rau quả. Đặc biệt, nên dùng các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành, dầu hướng dương sẽ cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho hoạt động thần kinh. Song song đó, cần ngủ, nghỉ đầy đủ, xen kẽ với vận động thể lực, có phương pháp học tập, phương pháp tư duy hợp lý.

Phương pháp học tập hợp lý, ghi nhớ tốt là tiếp thu từ từ, lặp đi lặp lại đúng phương pháp (biết chọn lọc điều cần nhớ, biết liên tưởng, xen kẽ học với thư giãn…). Vì vậy, nên học, ôn tập ngay từ đầu, có sự sắp xếp thời gian biểu hợp lý, tránh học dồn, học nén, học “tủ”, “nước đến chân mới nhảy”.

Cần lưu ý, hoạt động trí nhớ không chịu được sự thúc ép, bị áp lực ngoại cảnh. Đáng báo động là hiện nay nhiều học sinh có biểu hiện rối loạn tâm thần, học trước quên sau do áp lực của cha mẹ, thầy cô. Vì vậy, cần tránh gây áp lực, thúc ép trẻ.

Có thuốc bổ óc, tăng cường trí nhớ?

Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra thuốc nào cho tác dụng thần kỳ như vậy. Trước đây, có thuốc được cho là “bổ óc” là Cervotonic (thực chất kết hợp acid glutamic và vitamin B1), gần đây là glutaminol, glutaminol-B6, Pho-L… được gán ghép cho tác dụng như thế nhưng chính một số nhà sản xuất các thuốc trên đã công bố: “… Thuốc chỉ có công dụng dùng trong chứng suy nhược chức năng nhưng không có tác động đặc hiệu nào được chứng minh một cách cụ thể”. Tức là chưa có một thí nghiệm khoa học nào chứng minh có loại thuốc tạo ra được trí thông minh, tạo được trí nhớ vượt bậc đối với người bình thường cả.

Một số loại thuốc như citicholin, piracetam, glycerin phosphorylcholin, Ginkgo biloba (tức hoạt chất lấy từ cây bạch quả) tacrin, galantamin, được gọi là thuốc tăng cường hoạt động trí não, thực ra chỉ để điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hoặc ở người bị chấn thương sọ não, chứ không có tác dụng tăng cường trí nhớ cho người học thi.

“Thực phẩm chức năng” hay nhân sâm?

Nhân sâm được xem là vị thuốc bổ quý được dùng lâu đời trong đông y. Hiện nay, ở nhiều nước, tây y bắt đầu công nhận và sử dụng. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng dược lý và lâm sàng của nhân sâm, trong đó có các nghiên cứu về tác dụng chống mệt mỏi, làm tăng khả năng tập trung và sự nhạy bén trong hoạt động thể lực và trí óc.

Như vậy, nhân sâm cũng không tạo ra trí nhớ hay sự thông minh. Tác dụng tích cực của nhân sâm nếu dùng đúng liều lượng và có khi phải dùng lâu dài là giúp người làm việc trí óc tăng sự tập trung và chống mỏi mệt.

“Thực phẩm chức năng” nói chung chỉ nên xem là loại “bổ sung dinh dưỡng” hoặc “hỗ trợ” giống như thuốc cung cấp vitamin và chất khoáng. “Thực phẩm chức năng” không được xem là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc.

Lưu ý, “thực phẩm chức năng” không thay thế được thức ăn, vẫn phải ăn uống đầy đủ chất bên cạnh việc dùng chế phẩm. Nếu kinh tế không cho phép thì nên chọn thực phẩm bổ dưỡng hơn là “thực phẩm chức năng” đắt tiền.

Đối với các bạn trẻ, không nên dùng bất cứ loại thuốc nào, ngoại trừ do sợ thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng, có thể dùng thuốc bổ cung cấp vitamin và chất khoáng, chẳng hạn, có thể dùng loại đa sinh tố (multivitamin) ngày/viên.

Các bậc phụ huynh nếu thấy con em mình có biểu hiện sa sút học tập một cách đáng ngại như hay quên hoặc có biểu hiện của rối loạn tâm thần nên đưa đến bác sĩ khám để được điều trị phù hợp, đừng mất thời gian tìm kiếm thuốc tăng cường trí nhớ.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học y dược TP.HCM)

Recommended For You