Mức độ nguy hiểm khi tiếp xúc với viên phóng xạ ở khoảng cách 1 mét trong 24 giờ

Giáo sư đến từ Đại học Monash (Úc) vừa có những chia sẻ đáng chú ý liên quan tới sự việc viên phóng xạ bị thất lạc tại vùng Tây Úc.

Trước đó, Cơ quan Phòng chống bức xạ và an toàn hạt nhân Úc (ARPANSA) đã đưa ra thông báo về việc săn lùng một viên phóng xạ bị mất tích.

Viên phóng xạ bị mất tích có hình trụ, vỏ bằng bạc với đường kính 6 mm, dài 8 mm, bên trong có chứa Caesium-137, một chất phóng xạ nồng độ cao có thể phát ra bức xạ tương đương 10 tia X mỗi giờ.

Viên phóng xạ này là một phần của máy đo mật độ quặng sắt của Rio Tinto (Tập đoàn khai khoáng lớn nhất nước Úc). Được biết, máy đo này được lấy từ khu mỏ Gudai-Darri của Rio Tinto vào ngày 12/1 và sau đó được vận chuyển về cơ sở lưu trữ tại Perth để sửa chữa vào 16/1. Ngày 25/1, khi mở thiết bị để kiểm tra, các nhân viên phát hiện ra hộp đựng bị vỡ và viên nang đã mất tích. Nhà chức trách nghi ngờ quá trình vận chuyển rung lắc đã khiến các vít và chốt của thiết bị chứa lỏng ra, làm viên phóng xạ rơi ra và lọt ra ngoài xe tải.

Sau khi viên phóng xạ mất tích, một phần lớn bang Tây Úc đã được đặt trong tình trạng cảnh báo nguy cơ chất phóng xạ. Cơ quan y tế Tây Úc cảnh báo: Người dân không nên chạm vào viên nang này nếu gặp phải, bởi nguy cơ bỏng phóng xạ, nhiễm độc phóng xạ hoặc bị thương nặng khi tiếp xúc gần là hoàn toàn có thể xảy ra.

Sau 1 tuần mất tích, viên phóng xạ nguy hiểm đã được nhà chức trách Úc tìm thấy tại địa điểm cách thị trấn khai thác mỏ Newman khoảng 50 km về phía Nam.

* Viên phóng xạ nguy hiểm đã được tìm thấy sau cuộc truy tìm kéo dài 1.400 km. Ảnh: AP

Giáo sư Joël Brugger đến từ khoa Khoa học Địa chất bức xạ của Đại học Monash (Úc), đã có chia sẻ đáng chú ý liên quan đến sự việc. Trong đó, ông đề cập đến các trường hợp có thể xảy ra khi một người không may tiếp xúc với viên nang phóng xạ này.

“Việc mất 1 viên nang như vậy trong quá trình vận chuyển là rất khó xảy ra. Việc vận chuyển vật liệu phóng xạ được tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế và phương thức hiệu quả nhất trong nhiều thập kỷ, thường xuyên được thẩm tra và giám sát.

Giả sử viên nang còn nguyên vẹn và bị thất lạc ở một khu vực hẻo lánh của Úc, thì độ phóng xạ của nó sẽ giảm dần theo thời gian; trong 30 năm nữa, độ nguy hiểm bằng sẽ giảm một nửa so với hiện nay; trong 60 năm thì độ nguy hiểm sẽ giảm còn 25% và trong 90 năm là 10%.

Phóng xạ là một hiện tượng tự nhiên. Một số nguyên tử không ổn định và tự phân hủy thành các nguyên tử khác, giải phóng một lượng lớn năng lượng dưới dạng bức xạ. Một số nguyên tử phóng xạ này tồn tại trong cơ thể chúng ta – hơn 8.000 nguyên tử trong số này bị phân hủy mỗi giây trong cơ thể của chính chúng ta.

Đơn vị được sử dụng để đo mức độ ảnh hưởng sức khỏe của bức xạ được gọi là sievert. Ở Úc, mỗi người chịu khoảng 2 milliSievert bức xạ tự nhiên hàng năm, trung bình thêm 0,8 milliSievert do chụp X-quang y tế. Chúng ta chưa hiểu rõ việc tiếp xúc thêm với một lượng nhỏ bức xạ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, nhưng một lượng lớn (1.000 milliSievert) sẽ gây ra bệnh tật và bỏng do bức xạ; gấp 10 lần có thể gây chết người.

Vậy bạn có nên lo lắng không? Nếu bạn tìm thấy viên nang phóng xạ và không nhặt nó lên thì bạn vẫn an toàn. Giữ khoảng cách là biện pháp tốt nhất; ở khoảng cách một mét, bạn có thể ở gần viên nang trong 24 giờ và mức độ phơi nhiễm phóng xạ của bạn sẽ bằng với mức độ phơi nhiễm trung bình của một người Úc được chụp X-quang y tế hàng năm. Ở khoảng cách 10 mét, bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn an toàn. Trường hợp xấu nhất là bạn nuốt phải viên nang này, khi đó bệnh nặng và tử vong có thể xảy ra sau vài giờ”.

LƯU TỈNH THỨC

Hình bìa: Viên nang phóng xạ bị mất tích có kích thước 6 mm x 8 mm. Ảnh: Sở Cứu hỏa và dịch vụ khẩn cấp bang Tây Úc.

Recommended For You

Để lại một bình luận