Mừng tuổi bé bằng sách

    Cuối năm ngoái, người em thân thiết nhờ tôi hỏi cô bé sắp tròn 5 tuổi xem bé thích được tặng gì nhất? Vì món khoái khẩu của cô nàng là rong biển nên tôi thăm dò, nào ngờ nhận được câu trả lời: “Con muốn được tặng sách. Con đọc xong, sau đó con còn đọc cho em nghe nữa!”.

    Và khi nhận được hai cuốn sách, cô bé mỗi tối đều đề nghị ba mẹ cùng khám phá những câu chuyện thú vị. Rồi chúng trở thành vài mẩu ví dụ con con mà thi thoảng đụng chuyện, cô nàng sẽ kể lại vắn tắt hoặc nhắc đến với vẻ hào hứng bừng sáng cả khuôn mặt trẻ con.

    Chính bé con đã gợi ý cho người lớn trong nhà phong tục mới mừng tuổi bằng sách bên cạnh phong tục lì xì. Cách nghĩ, cách làm này hãy còn mới mẻ với mọi người và việc chuẩn bị cũng cần phải dụng tâm hơn.

    Chẳng hạn, muốn tặng sách cho trẻ, người lớn phải tìm hiểu sách nào phù hợp với độ tuổi nào, nhất là nội dung, cách diễn đạt, lối dùng từ, cách trình bày… Giữa bộn bề của những việc không tên lẫn có tên ngày cuối năm, thật chẳng dễ để dành thời gian lựa chọn sách cho từng đứa trẻ trong gia đình.

    Bởi vậy, người lớn hãy tận dụng những lúc rỗi rãi của bản thân để chuẩn bị món quà đầu năm ý nghĩa này. Chưa kể, hội sách cũng thường được tổ chức và luôn có những ưu đãi lớn cho độc giả.

    Vì lẽ đó, tôi thường dự trữ một vài cuốn sách để dành cho dịp đặc biệt. Từ tết năm nay, tôi sẽ duy trì lệ mừng tuổi bằng sách này cho gia đình mình.

    Thật tình cờ, sáng mồng 5 tết, tôi được biết chương trình “Mừng tuổi sách” đã được triển khai từ tết 2018. Anh Nguyễn Quang Thạch, chủ nhân chương trình “Sách hóa nông thôn” này đã cùng BS. Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) tặng 1.000 cuốn sách cho thiếu nhi cả nước hồi năm ngoái. Mồng 2 tết năm 2019, 200 cuốn sách đã được tặng cho trẻ em Hà Tĩnh.

    Qua phóng sự ngắn chưa đầy 2 phút, tôi cảm nhận được sự quyết tâm mang tri thức, gieo hạt giống văn hóa vào tâm hồn thơ trẻ của BS. Tuấn. Vẻ ngây ngô, háo hức đón nhận sách của các em cho thấy chương trình này cần được thực hiện đều đặn và lan tỏa rộng hơn. Bởi thông qua việc trao một món quà, người lớn có thể chia sẻ với các em tình cảm gắn bó trong quá trình đọc sách cùng nhau, hướng các em đến lối sống trân trọng những điều quý giá không được đo lường bằng vật chất. Đồng thời, chính hành trình này cũng nhắc chính người lớn về giá trị của sẻ chia, trao nhận và việc vun vén tình cảm với con cái để chúng mai sau có lớn vẫn xem ba mẹ là “bạn bè”, tin cậy trao đổi từ điều nhỏ nhặt đến trọng đại.

    Tôi nhìn thấy câu chuyện văn hóa gia đình này rõ ràng trong lần gặp gỡ đầu năm với gia đình một người bạn đang sống ở Úc về Việt Nam du xuân. Trong chuyến đi trải dài đất nước từ Nam ra Bắc này của ba thế hệ, người lớn tuổi nhất nay đã 80, thành viên nhỏ tuổi nhất mới 18, cả nhà vui vẻ khoát tay nhau khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, thăm thú địa danh văn hóa, nếm thử món ăn địa phương.

    Là người con vừa mới mất mẹ chưa lâu, lại đón tin dữ ngay sau dịp tết Nguyên đán, tôi hạnh phúc khi được chia sẻ thời gian vui vầy của gia đình bạn. Bên mâm cơm, tôi say sưa ngắm vẻ tự hào của những người con khi được thấy đấng sinh thành khỏe mạnh, ăn ngon, chơi vui, thường xuyên đi đó đây; ngược lại, ánh mắt ngời hạnh phúc của người bà, người mẹ hướng về con cháu.

    Không gạt sang một bên lễ tiết để đi du xuân xuyên tết, nhưng sau những ngày dành trọn sự nghiêm cẩn, chỉn chu cho gia tiên, họ thu xếp thời gian để được cùng nhau khám phá thế giới mới.

    Các bậc trưởng bối luôn từ chối lời mời đi du lịch cùng con cháu. Phần nhiều vì sợ tốn kém, thứ nữa là cảm giác lo lắng khi đến một nơi xa lạ.

    Mẹ tôi lúc sinh thời dù muốn tham gia những chuyến tham quan cùng bạn bè nhưng cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng mới có một lần chặc lưỡi, “thôi kệ”.

    Dẫu mẹ có phải trải qua nhiều giờ mỏi lưng, ê mông vì ngồi xe hay bị “lùa như vịt” khi trót mua phải tour của công ty dỏm thì mẹ vẫn háo hức trước khi đi, vui vẻ kể chuyện sau khi về.

    Mẹ con tôi đã cùng nhau ra nước ngoài một lần. Phải đi xa, rời khỏi vùng an toàn, tôi mới biết mẹ “nhỏ bé” thế nào và mình là người hùng trong mắt mẹ vì biết cách dùng tàu điện ngầm, có thể đọc được bản đồ… Cảm giác hạnh phúc vì được bảo vệ mẹ mỗi khi sang đường, được nắm thật chặt tay mẹ trong chuyến xe buýt dành cho người bản xứ, được cùng nhau thử món ăn lạ, hay ngồi thủ thỉ nhân lúc nghỉ chân dưới bến tàu… đã trở thành kho báu của cả hai.

    Nhìn ra xung quanh, tôi cũng thấy bạn bè mình hay nhiều người khác cũng đã và đang lên đường cùng ông bà, ba mẹ của họ. Chẳng cứ đợi dịp tết hay hè, chẳng cần phải ra nước ngoài, chỉ cần cùng nhau đi đến một nơi nào khác ngoài không gian quen thuộc, trải qua dù chỉ một ngày một đêm ở đó cũng đã vui vẻ. Liều thuốc tinh thần vì được cùng nhau sẻ chia, vun vén hạnh phúc sẽ giúp cho hành trình sống của mỗi thành viên thêm vững vàng.

    CẨM PHÔ

    Recommended For You