Ngày 13/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ XVI.
Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ và đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chủ trì hội nghị.
Theo đánh giá tại hội nghị, giai đoạn 2019-2023, các địa phương trong vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã bám sát chủ trương, chính sách về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp, người dân về vai trò của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội. Hoạt động khoa học và công nghệ đã có tác động tích cực tới phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên; thể hiện rõ vai trò tạo động lực quan trọng của khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian qua đã phát triển đúng định hướng, đi vào chiều sâu và đã đạt được những kết quả nổi bật. Các địa phương đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã chú trọng vào yêu cầu thực tiễn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Công tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ cho tỉnh, thành phố được chú trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.
Các địa phương trong vùng đã chủ động rà soát, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn bảo đảm đúng định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước…
Tuy nhiên, hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ chưa có sự lan toả mạnh mẽ, kết quả nghiên cứu chậm được áp dụng vào thực tiễn. Cơ sở hạ tầng về công nghệ cao còn yếu; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong GRDP của tỉnh còn thấp.
Vấn đề liên kết trong đề xuất, triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa các địa phương trong vùng cũng như ngoại vùng chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; chưa đề xuất và thực hiện được các nhiệm vụ khoa học và công nghệ lớn để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng.
Tiềm lực khoa học và công nghệ của địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập. Hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, trường đại học chưa hiệu quả, chưa khai thác hết tiềm năng của hai bên. Kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ còn rất hạn chế.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các tỉnh, thành phố dần hình thành và từng bước phát triển. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn khiêm tốn, ít doanh nghiệp gọi được vốn ở mức cao.
Cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu còn thiếu và chưa đồng bộ…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Nhằm triển khai có hiệu quả, thiết thực Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong thời gian tới, các Sở Khoa học và Công nghệ trong vùng cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trong vùng.
Trong đó, xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn nhằm phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ trong vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên phải gắn kết với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng và liên quan đến vùng; bảo đảm cho vùng phát triển nhanh và bền vững.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư, tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ trong vùng, trong đó đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Áp dụng cơ chế đặc thù về đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực trong khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Đặc biệt hướng vào phục vụ cho các ngành, lĩnh vực của Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số.
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ trong vùng, có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong vùng.
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng và ngoại vùng trong huy động các nguồn lực, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật bảo đảm quy mô, chất lượng, hiệu quả. Hình thành các sản phẩm khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị, chuỗi liên kết vùng.
Tiếp tục phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo vùng, thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tổ chức thực hiện hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, trong đó có Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Nguồn: Báo Nhân Dân | NGUYỄN CÔNG LÝ
Ảnh bìa: Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.