Đình làng tồn tại và phát triển gắn bó với cộng đồng làng qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình khẩn hoang lập làng của người Việt trên vùng đất mới. Tại Quảng Ngãi, xưa kia có rất nhiều đình làng, thống kê có 49 đình làng phân bố ở các huyện đồng bằng và đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, nhiều đình làng đã bị tàn phá do chiến tranh, thiên tai.
Nét độc đáo của đình làng
Đình làng Quảng Ngãi xây dựng sớm nhất ở thế kỷ XVII, còn lại hầu hết được lập ở thế kỷ XVIII, XIX khi làng đã ổn định bộ đinh, có nguồn lực xây dựng dựa vào vai trò người đứng đầu với sự góp sức của cộng đồng làng.
Điển hình là bản lưu chiếu chữ Hán tìm thấy ở đình Lâm Sơn (Nghĩa Hành) cho biết, vào năm Duy Tân thứ 5 (1911) có 5 anh em họ Lê, Nguyễn lập ra bộ trại, kiến tạo đình chùa, phụng lĩnh thần sắc, châu bộ đơn trương và lưu chiếu các khoản vào niên hiệu Gia Long (1802 – 1820).
Đình làng Quảng Ngãi có một số còn giữ tương đối nguyên vẹn về kiến trúc như đình An Định, Lâm Sơn (Nghĩa Hành), Nghĩa An, La Hà (Tư Nghĩa), An Hải (Lý Sơn). Một số đình làng được trùng tu lại như đình An Vĩnh (Lý Sơn) phục dựng toàn bộ, đình An Định (Nghĩa Hành) bỏ cổng cũ đi và thay cổng mới…
Đình làng xây dựng trên không gian kiến trúc truyền thống, dựa theo thế phong thủy; tiền diện đình bao giờ cũng quay về hướng sông nước hoặc vũng hồ, lấy đó làm minh đường. Trước đình phải có án, hai bên có tả thanh long, có hữu bạch hổ. Đình phải xây dựng trên cuộc đất cao ráo phong quang, khuôn viên phải rộng rãi thoáng đãng, gắn liền với dân cư làng mạc. Toàn bộ kiến trúc đình được đặt trong khuôn viên, bao bọc bởi bờ la thành thấp. Khuôn viên đình bao gồm cổng đình, bình phong, sân đình, đình chính, nhà hội, nhà bếp, nghĩa từ, miếu thờ thần.
Đình làng Việt có dạng chữ đinh, chữ tam, chữ công hay nội công ngoại quốc. Riêng ở Quảng Ngãi, đình làng thường có kiểu kiến trúc chữ đinh, chữ nhị, chữ tam.
Đình làng kiến trúc chữ đinh chiếm 60% trong kiến trúc đình làng ở Quảng Ngãi. Kiến trúc chữ đinh còn gọi là kiểu chuôi vồ, là kiểu kiến trúc bao gồm nhà tiền tế và hậu cung. Thông thường nhà tiền tế có kết cấu bộ khung gỗ, còn hậu cung lại được đắp xây dạng vòm cuốn chồng cổ diêm tám mái, tiêu biểu cho kiểu kiến trúc này là đình Lâm Sơn, Thi Phổ. Đình làng kiểu kiến trúc chữ nhị tiêu biểu là đình An Định, Nghĩa An, Hổ Tiếu. Kiểu kiến trúc chữ nhị gồm có một đình hạ (tiền tế) và đình thượng (hậu cung) liên kết nhau qua hệ thống kèo cầu. Đình làng kiểu kiến trúc chữ tam duy nhất có đình An Hải.
Hiện nay, đình làng An Vĩnh được khôi phục lại cũng theo kiến trúc chữ tam. Kiến trúc chữ tam chia đặt không gian đình thành ba phần: Đình hạ, đình trung và đình thượng, mỗi phần đều mang tính độc lập, tuy nhiên có sự liên kết qua bộ phận kèo cầu và thống nhất trong chỉnh thể, đình hạ thấp hơn, cao dần lên đình trung và cao nhất là đình thượng.
Nơi cố kết cộng đồng
Đình làng là ngôi nhà chung của cộng đồng làng xã người Việt. Đình làng là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã thời xưa, là nơi thờ thần Thành hoàng bản cảnh được vua ủy quyền bảo an nơi cõi đất được thờ phụng. Đình làng Thi Phổ còn lưu giữ đạo sắc phong tặng Thành hoàng bổn cảnh có danh hiệu: Bảo an chính trực hựu thiện đôn ngưng Thành hoàng chi thần.
Đình làng xưa có ba chức năng chính: Chức năng hành chính, chức năng tín ngưỡng và chức năng văn hóa.
Đình là nơi họp bàn việc làng, từ việc lớn đến việc nhỏ như xử kiện, phạt vạ, sản xuất nông nghiệp, thủy lợi… Đình là nơi thờ Thành hoàng làng (thần của làng), các vị thần linh bảo hộ làng và là nơi thờ cúng tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng, hậu vãng và cô hồn; là nơi tổ chức các lễ hội, các trò chơi dân gian nhân ngày tết Nguyên Đán, hoặc các ngày lễ quan trọng theo phong tục của làng.
Ngày nay, các đình làng ở Quảng Ngãi với các chức năng văn hóa, tín ngưỡng vẫn được bảo tồn gìn giữ. Các đình làng hướng đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp ở làng xã như tinh thần đoàn kết, đùm bọc thương yêu nhau trong cộng đồng; hướng con người quay về nguồn cội tổ tiên để tự hào và làm những điều tốt đẹp cho xã hội. Trong các dịp tế đình, dân làng tề tựu tại đình để cúng bái tri ân tổ tiên, gặp gỡ bà con xóm giềng. Đình làng trong chức năng văn hóa tín ngưỡng là đời sống tinh thần không thể thiếu của người dân ở nhiều làng quê trong cuộc sống hiện đại.
Tiến sĩ ĐOÀN NGỌC KHÔI
Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử