Nhà khoa học – nhà giáo tận tụy vì sinh viên

    Say mê nghiên cứu khoa học, tận tụy truyền đạt kiến thức cho sinh viên, họ là những nhà khoa học – nhà giáo được sinh viên, đồng nghiệp và nhiều người kính trọng.

    Người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò

    Sau hơn 40 năm cống hiến, PGS.TS. Trần Doãn Sơn, giảng viên khoa cơ khí, Trường đại học bách khoa TP.HCM, không chỉ gặt hái được nhiều thành quả trong việc chế tạo các máy móc, ông còn là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò thành đạt.

    Cách đây 5 năm, thầy Sơn cùng các cộng sự của mình đã có chuyến đi đến vùng Cổ Cò (Cái Bè, Tiền Giang). Thấy đời sống người dân còn nhiều cơ cực, thầy nảy sinh ý nghĩ sẽ làm ra một chiếc máy vừa để họ làm phương tiện sinh sống, vừa tận dụng được nguồn tài nguyên của vùng. Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng thầy Sơn đã cho ra đời chiếc máy làm bánh tráng rế, chuyển giao về Cổ Cò. Thầy chia sẻ: “Cảm xúc của tôi khi nhìn thấy chiếc máy tạo ra thành phẩm đầu tiên là niềm vui tột cùng. Vui vì mình đã đóng góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ đồng bào khó khăn”. Từ đây, với phương kế sinh nhai trong tay, nhiều người dân đã cải thiện phần nào đời sống vất vả của mình.

    “Đến giờ tôi và bà con vẫn giữ liên lạc với nhau. Có người lên thành phố khám bệnh còn gọi điện hỏi thăm mình nữa chứ!”, thầy Sơn thích thú kể. Cứ thế, hơn 40 năm qua, thầy Trần Doãn Sơn vẫn tận tụy với công việc nghiên cứu, sáng chế. Chính điều này tạo nên động lực cho bao thế hệ sinh viên. Như chia sẻ của Lê Quốc Việt, sinh viên năm cuối khoa cơ khí: “Nhiều khi thanh niên như tôi cảm thấy mình còn không đủ say mê, năng động như thầy nữa”.

    Thầy Trần Doãn Sơn cho biết: “Ngoài niềm đam mê sáng tạo, tôi còn một niềm vui rất lớn là dành thời gian để truyền lửa cho các học trò mình. Hàng ngày, tôi nhận được rất nhiều thư của sinh viên bày tỏ mong muốn hướng nghiệp cho các em, tôi rất hạnh phúc về điều đó”. Thầy Sơn bắt đầu công việc giảng dạy từ năm 1972. Với một quá trình giảng dạy lâu như thế, nên đã có trường hợp cả gia đình ba thế hệ đều là học trò của thầy Sơn. “Ba mình nói, nếu con muốn theo đuổi ngành này, hãy tìm thầy Sơn để học hỏi”, Trần Tiến Huy, sinh viên năm cuối khoa cơ khí, được ba mình – đồng thời là học trò cũ của thầy Sơn dặn dò khi trở thành sinh viên ngành cơ khí.

    Thầy Sơn cùng cộng sự.

    Thầy Sơn quan niệm đi dạy không đơn thuần là truyền kiến thức mà quan trọng hơn là truyền lửa đam mê cho học trò. Thế nên lớp học của thầy lúc nào cũng đông đủ, nhiều khi có các bạn lớp khác xin vào học “ké”. Phương châm giảng dạy của thầy là khơi gợi tư duy sáng tạo của học trò thay vì chỉ ghi chép kiến thức. Những vấn đề thực tế ở xưởng nghiên cứu được thầy đưa ra luôn hút các bạn sinh viên tranh luận, phản biện để tìm ra biện pháp tốt nhất. Điều đó tạo nên môi trường học tập lành mạnh, không bị áp đặt, khuôn mẫu.

    Thầy Sơn cho rằng đi dạy còn là để gần gũi, truyền niềm say mê học tập cho học trò, đồng thời cũng là để bầu bạn, học hỏi từ họ. Thầy nhận xét, bây giờ sinh viên có “nhiều cái hay lắm”: họ giỏi đồ họa trên máy tính, giỏi thao tác các phần mềm xử lý bài toán nhanh chóng, tối ưu…

    Với những cống hiến của mình, PGS.TS. Trần Doãn Sơn đã nhận được huân chương lao động hạng ba, 2 bằng khen do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Sáng chế nổi bật nhất của ông là máy làm bánh phở tươi tự động, được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế và đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE). Vừa qua, thầy còn được trao 3 giải thưởng sáng chế TP.HCM.

    Lan tỏa niềm đam mê cho sinh viên

    Nhà khoa học trẻ – TS. Lê Ngọc Liễu, sinh năm 1984, giảng viên Trường đại học quốc tế Đại học quốc gia TP.HCM, đã có hành trình hơn 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học. Sinh trưởng ở xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, từ nhỏ Lê Ngọc Liễu đã là một cô học trò luôn tò mò về các hiện tượng tự nhiên. Không đủ thỏa mãn với sách giáo khoa, cô tìm đến những quyển sách nâng cao về hóa học trong thư viện trường để giải đáp những câu hỏi của mình. Từ một học sinh trường làng, cô quyết tâm thi vào ngành hóa học của Trường đại học bách khoa và chọn nghiên cứu lĩnh vực công nghệ thực phẩm, và sau đó là công nghệ môi trường tại Singapore và Ả Rập Saudi.

    Sáu năm trước, Lê Ngọc Liễu từng là cô gái Việt Nam duy nhất nhận được giải thưởng tài năng trẻ ở Đức. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học quốc gia Singapore, cô được một đại học khoa học và công nghệ nước ngoài mời về làm việc. Từ bỏ mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng, năm 2017, TS. Liễu quyết định quay về Việt Nam. “Dù đi đâu, tôi thấy chỉ ở Việt Nam, ở quê hương mình thì bản thân mới thực sự vui vẻ, có thể ăn những món Việt Nam bất cứ khi nào thích. Hơn hết, tôi muốn tham gia các hoạt động phát triển sinh viên. Bởi đóng góp cho thế hệ trẻ cũng chính là đóng góp cho đất nước”, TS. Liễu tâm sự.

    Cô Lan cùng các sinh viên trong phòng thí nghiệm.

    Tham gia hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, cô Lê Ngọc Liễu luôn giữ một tinh thần tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ. “Mỗi khi bắt tay vào làm việc, tôi thường tập trung đến mức tưởng như mọi thứ xung quanh đều im bặt vậy”, cô bộc bạch. Điều này rất đúng với châm ngôn sống của cô “Where there is a will, there is a way” (tạm dịch: Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường).

    TS. Liễu được nhiều sinh viên yêu mến bởi sự thân thiện, nhiệt huyết. Đối với cô, phát triển thế hệ trẻ không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn là làm lan tỏa niềm đam mê và giúp các bạn biết mình cần bổ sung những kỹ năng nào. “Cứ trải nghiệm đi em, mình còn trẻ mà”, đó là câu nói mà cô Liễu hay động viên sinh viên khi các bạn đối mặt với những thử thách.

    Năm 2020, TS. Lê Ngọc Liễu được vinh danh là một trong 10 tài năng của giải Quả cầu vàng.

    NHƯ QUỲNH

    Recommended For You