Nhiều làng nghề truyền thống đứng vững nhờ chính sách của thành phố

Trước nguy cơ mai một của nhiều làng nghề truyền thống ở TP.HCM, UBND thành phố đã có những chính sách, cách thức hỗ trợ kịp thời giúp làng nghề vươn lên phục hồi trở lại và phát triển vươn xa ra thị trường trên thế giới. Nhiều làng nghề đã giải quyết được việc làm cho lao động địa phương, đem lại mức thu nhập khá cho người dân.

Cụ thể, UBND thành phố ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị đối với làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố (ban hành theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của Hội đồng nhân dân và Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 của Ủy ban nhân thành phố). Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, trả công lao động phục vụ sản xuất.

Ông Lê Thế Khải, đại diện Hợp tác xã (HTX) bánh tráng Phú Hòa Đông cho biết, nhờ có sự giúp đỡ của các ban ngành như Liên minh HTX thành phố, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp và Chi cục phát triển nông thôn, Sở khoa học và công nghệ, Sở công thương… hỗ trợ từ vốn đầu tư đến quảng bá thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm mà HTX ngày càng phát triển bền vững. Đến cuối năm 2018, HTX có 18 thành viên, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ là 26 người với mức thu nhập bình quân từ 4 – 6 triệu đồng.

Tương tự, cơ sở mây tre lá của ông Lê Văn Quyết (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) cũng dần phát triển mô hình sản xuất kết hợp với các đoàn du lịch tham quan. Cơ sở cũng tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 nhân công, mức thu nhập theo sản phẩm bình quân từ 250.000 – 300.000 đồng/người/ngày. Hiện tại cơ sở có đa dạng các sản phẩm mây tre lá ở khắp các địa điểm du lịch trên cả nước cũng như các thị trường lớn trên thế giới. Nhiều sản phẩm mây tre lá của ông Quyết tham dự và lọt vào chung kết Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019.

Nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ làng nghề truyền thống, Chi cục phát triển nông thôn đã phối hợp với Hội nông dân cấp xã mở nhiều lớp tập huấn tuyên truyền và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tại 8 làng nghề. Tổng số tổ chức 35 lớp tập huấn với khoảng 2.100 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, Chi cục phát triển nông thôn cũng tổ chức những buổi học tập, trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, mô hình chế biến kinh doanh từ các sản phẩm mây tre lá hiệu quả, những mô hình làng nghề gắn với du lịch.

NGUYỄN THẾ

Recommended For You