Người người nhà nhà, ai ai cũng tất tả, nhốn nháo, hớt hải, sấp ngửa lo cho một cái tết, cuối cùng thì nó cũng qua. Bà nào, cô nào trước tết cũng nói: Năm nay chả sắm sửa gì cả, có ăn được đâu mà mua cho lắm.
Nhưng rốt cuộc, nhà nào cũng như nhà nào, tủ lạnh đầy chật đồ ăn, những thứ không nhất thiết phải cất vào tủ lạnh thì tú hụ góc bếp. Đầu tắt mặt tối lo cái tết, rồi nhoằng cái nó cũng trôi vụt đi, còn chưa kịp hình dung gì thì đã mùng bốn mùng năm. Hết tết.
Hà Nội giống như một cái trạm xe bus khổng lồ. Sài Gòn cũng vậy. Lúc đông nghìn nghịt không một khe hở, lúc rỗng tuếch, vắng teo. Sáng ba mươi mà đi ra phố thấy như có một điều kì diệu nào đấy vừa diễn ra từ đấng tối cao. Ông ấy đứng tít đâu đó trong vũ trụ bao la, và quyết định nhấc một lượng lớn kinh khủng khiếp người và xe ra khỏi thành phố. Thường khi, Hà Nội như cái xoáy nước, hút tất cả mọi dòng chảy về phía nó. Và áp tết, đấng tối cao kia thổi một hơi, tất cả lại cuồn cuộn đi tứ phía, chớp mắt đã không thấy đâu.
Một buổi sáng nào đó, đi ra đường, ngỡ ngàng trước một Hà Nội bỗng dưng quạnh quẽ, tĩnh lặng đến ngơ ngác. Xe chạy rù rù trên đường. Phố xá thênh thang. Thậm chí còn đôi khi còn có cảm giác buồn tẻ. Đường sá vắng vẻ thưa thớt tự dưng cũng khiến người ta đi lại chậm rãi hơn, đứng trước đèn đỏ cũng không phải cố sống cố chết nhoi lên dù chỉ nửa mét cho hơn thiên hạ. Hoá ra tinh thần con người cũng dễ bị phụ thuộc vào ngoại cảnh.
Những năm bố mẹ còn ở miền núi thì tết nào tôi cũng về quê. Tức là giống như số đông những người ở trọ Hà Nội bây giờ, cứ tết là dắt díu bồng bế nhau về quê. Không một cái tết nào ở lại Hà Nội, vừa vì cái cảm giác đây là không phải là nơi mình thuộc về, vừa là ám ảnh trong đầu hình ảnh mẹ ngồi phía sau ô cửa, ngóng con cháu về.
Cái ô cửa sổ với những chấn song sơn màu xanh lá cây, hai cánh cửa luôn mở ra, ép vào tường. Bên trong kê cái bàn uống nước hình chữ nhật. Mẹ thường ngồi ở đấy, vì nó nhìn thẳng ra con đường mòn nhỏ, dẫn ra đường ô tô. Nếu chúng tôi về, mẹ sẽ nhìn thấy đầu tiên. Và nếu chúng tôi, con gái và những đứa cháu ngoại không về, thì có lẽ mẹ sẽ ngày nào cũng ngồi ở đấy. Tôi thương những nhớ nhung chờ đợi của mẹ, ngày này qua tháng khác, năm lại năm, đằng đẵng những hơi thở dài.
Và không phải chỉ có mẹ tôi, hẳn là thế. Tất cả những bà mẹ thôn quê, dành cả đời để lao động cật lực, lo cho những đứa con đủ lông đủ cánh để chúng… bay đi, khỏi vòng tay mình, đều sẽ dành tất cả những năm tháng tuổi già để nhớ nhung, mong đợi, hi vọng, âu lo.
Và mỗi năm, chỉ có duy nhất một dịp là tất cả những đứa con đều dẹp tất cả mọi bận rộn vĩ đại của chúng để quay về với mẹ. Khi người ta rộ lên việc gộp tết tây tết ta làm một, nói cách khác là xóa sổ tết ta, tôi đã có một niềm tin chắc chắn rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.
Nếu như không còn tết ta với những hương khói ngào ngạt trên ban thờ tổ tiên, những gom góp tích cóp dành dụm cả năm của mẹ, và dáng mẹ hao gầy đi ra đi vào, trông trông ngóng ngóng… thì những đứa con sẽ trở về nhà vào lúc nào?
Khi nào thì chúng sẽ về nhà, gồm cả con trai và con dâu, con gái và con rể, cháu nội và cháu ngoại, cùng một thời điểm? Những đứa trẻ vừa chạy nhảy vừa la hét từ trong nhà ra ngoài sân, những chị em ríu rít nấu nướng trong bếp và những ông anh ông em ha hả bên mâm cơm đầy chật những đĩa và bát.
Chúng ta còn một cái tết, mặc định là dịp để đoàn tụ. Người Việt đi khắp năm châu bốn bể, thành đạt giàu có, văn minh đến tận chân răng, hiện đại tới tận sợi tóc, rốt cuộc tết nào cũng nhưng nhức một nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ cái bầu không khí đặc biệt chỉ tết mới có. Và thế là lại đùm túm đàn đàn lũ lũ, kéo lê những chiếc va li to đùng ra sân bay để về nhà.
Anh chị bạn tôi sống ở Đức, đã nhiều năm, con cái sinh ra ở Đức, lấy vợ lấy chồng, sinh con, tức là đã có đến thế hệ thứ 2 chào đời ở đất nước văn minh hàng đầu nhân loại ấy, năm lại năm, tóc đã bạc, vẫn chưa bao giờ thôi da diết với những cái tết. Ở nước ngoài, cộng đồng người Việt cũng tổ chức tết với nhau, gói bánh chưng, đón giao thừa… Tuy nhiên, cái tết nơi xứ người vẫn chỉ là thứ đi mượn, dùng tạm, cố cho có mà thôi.
Tôi nhớ một chi tiết anh ấy viết, cậu con trai và lũ bạn đi chơi về vào chiều ba mươi, và nhìn thấy con gà luộc có ngậm một bông hồng ở mỏ, chúng chỉ trỏ và vừa đặt ra các giả thiết vừa cười rũ rượi. Thế hệ ấy, mặc dù dòng máu người Việt đang chảy trong huyết quản chúng, nhưng ngay cả thứ đơn giản nhất, là ngôn ngữ, thì chúng cũng đã gần như không biết nữa rồi. Huống hồ những thứ thẳm sâu hơn như là một cái tết Nguyên đán với bao nhiêu thương nhớ hoài niệm.
Sau này tôi thường nghĩ, đến lúc mình già và con cái đi hết cả, sống cuộc sống riêng của nó, liệu rồi mỗi khi tết đến mình sẽ làm gì nếu con không về? Làm gì nếu như chỉ có một nỗi mong ngóng ngự trị?
Cái tết, chắc chắn không chỉ là ăn những món ngon, áo quần váy vóc xúng xính mà là những lần trở về. Và ra đi.
Năm lại năm, người ta cứ lũ lượt trở về nhà, rồi lại lũ lượt ra đi. Trở về – ra đi, cho đến khi nào không thể di chuyển được nữa. Những xóm làng thôn quê đầy ắp người. Nhà nào cũng rổn rảng bếp núc xoong chảo gà qué. Ngõ xóm nào cũng râm ran chúc tụng.
Có khi tôi nghĩ, nếu như người Việt chúng ta chẳng có thôn quê, tất cả các vùng đều phát triển như nhau, sầm uất như nhau, nhu cầu việc làm và mức sống tương đương nhau, người ta không phải đổ về các thành phố lớn để kiếm sống nữa, thì chúng ta có di chuyển nữa không? Những cuộc di chuyển khổng lồ, vĩ đại.
Tôi chẳng hề muốn nói đến những vụ tai nạn, cướp đi bao nhiêu sinh mạng, nhiều hơn cả chiến tranh. Đã quá buồn khi nhắc đến điều đó sau mỗi cái tết, chủ yếu do bia rượu, chúc tụng, nâng lên đặt xuống. Như một điều hiển nhiên tột cùng cay đắng, năm lại năm, tết lại tết, xuân lại xuân, luôn tràn ngập mặt báo những con số thống kê số vụ tai nạn, số người chết, bị thương. Những con số hãi hùng.
Người ta rồi vẫn cứ phải trở về, ra đi, di chuyển, ăn uống, nhậu nhẹt, và mất kiểm soát khi ngồi lên xe rồi lao ra đường. Có rất nhiều những cuộc trở về và vĩnh viễn không bao giờ ra đi nữa, có rất nhiều gia đình có giỗ vào dịp tết, có rất nhiều cuộc đời bỗng nhiên đứt phựt không một lời hân hoan hay ai oán.
Lại đi qua một cái tết nữa. Những bà mẹ già đứng tựa bên cánh cổng nhìn theo đàn con cháu khuất dần ngoài ngõ. Làng xóm chỉ trong một ngày lại trống huếch trống hoác, vắng hoe yên tĩnh, những khu vườn lao xao tiễn biệt, và cùng lúc đó, các thành phố lại đầy ứ lên. Trở về – ra đi, suốt một cuộc đời con người, cái nhịp điệu ấy lặp lại không biết bao nhiêu lần đến mỏi mệt. Nhưng thử hỏi, nếu như không có trở về rồi lại ra đi, ra đi để lại trờ về, thì con người ta sẽ sống thế nào với những tháng năm không còn nhịp thở của tết?
Đỗ Bích Thúy
Nguồn: Báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô