Quê tôi miền sông nuớc, ghe xuồng là phương tiện giao thông duy nhất mỗi khi muốn đi đâu, nếu như không thích nhảy ùm xuống nước rồi bơi qua sông, nhất là đi gặp người yêu lại càng khó coi. Tôi nói vậy là khi cậu tôi đi xóm về, đợi lấy xuồng nhà lâu lắc, cậu cởi bộ đồ vía cuộn lại, mặc quần tà lỏn, một tay đưa bộ quần áo lên cao, bơi một tay qua sông để về nhà.
Trong vườn, cứ mỗi liếp là một cái mương, cây cầu được bắc tạm bợ bằng thân trâm bầu, khi thì bằng cây dừa ngã nằm dài, có khi bằng hai thân tràm ốm tong teo, hay hai cây tre đong đưa kẽo kẹt mỗi bước chân qua…
Gặp lúc trời mưa, cầu có tay vịn còn đỡ, bằng không thì lột guốc dép cầm tay, từ từ “bò” qua cầu cho chắc ăn!
Còn phải nhắc đến những cây cầu nhũi ở bến sông để tắm giặt, để mẹ đứng trông theo lúc tiễn con lên tỉnh học, hay đứng ngóng con về mỗi cuối tuần.
Nhà này qua nhà kia cũng thường cách nhau bằng con xẻo, con rạch, đi riết rồi cũng quen, còn dân ở chợ mà về quê là đi ra bờ vùng để vô nhà bằng ngã sau, tuy xa mà chắc ăn hơn là “tắm ao ta”…
Ngày xưa, tôi rất sợ qua cầu vì cầu này lót ván rất thưa, lúc đó tôi mang guốc, đi thẳng thì không sao, còn dòm xuống thì y chang “lọt guốc”…, nên “cây cầu này em đi qua, em lại nhiều lần mà sao bối rối” thuờng xuyên tặng guốc cho “công chúa Thủy tề” mà chắc cô ta chỉ có… một chân nên thường chỉ nhận một chiếc guốc thôi!
May mà “Long vương thái tử” không kén vợ, chứ không thì chuyện xưa “Lọ Lem” thử giày, còn tôi cũng có thể thành “Lọ Lem” thử guốc, mà khỏi cần cắt bớt gót chân, vì đích thị là guốc của tôi mà…
Tôi cũng hiểu những cây cầu bê tông là phần tất yếu của cuộc sống, nhưng tôi vẫn yêu tha thiết những cây cầu có tên gọi chung là cầu khỉ. Về sau, chắc chắn danh từ này sẽ biến mất và sẽ chẳng còn ai hình dung cây cầu khỉ ra sao nữa. Có thể bạn cho tôi là người lạc hậu, cũng không sao – theo tôi nghĩ – ít ra cây cầu khỉ cũng đã hiện diện trong khoảnh khắc cuộc đời của mỗi chúng ta, có phải không?