Nhớ về nét Tết truyền thống của người Huế

Là vùng đất coi trọng văn hóa truyền thống, người Huế mang trên mình trách nhiệm giữ gìn văn hóa Tết.

1. Nếu miền Bắc có bánh chưng thì miền miền Nam có bánh tét. Bánh tét cũng có các nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh nhưng thịt có thể có hoặc không. Bởi vậy, bánh tét không có thịt bảo quản lâu hơn bánh chưng và nó có thể ăn sau Tết. Thay bằng lá dong gói bánh chưng, người miền Nam dùng lá chuối gói bánh tét. Việc gói bánh kỹ càng đã hạn chế bánh tiếp xúc với không khí nên bảo quản bánh được lâu.

    Nếu ở miền Bắc, chiếc bánh chưng vuông vức thì ở miền Nam người ta gói bánh tét theo hình trụ dài.

    Miền Trung thì có cả bánh chưng lẫn bánh tét. Bánh chưng miền Trung thường bé và ít nhân hơn bánh chưng ngoài Bắc. Bánh tét miền Trung giống như bánh tét ở miền Nam.

    Bánh tét miền Trung ngon nhất là ở Huế. Bởi bánh tét làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) ở Huế đã nổi tiếng cả nước. Nó có sự đặc biệt về nguyên vật liệu. Tại làng này từ xưa đã khoanh vùng khoảng 20 mẫu ruộng để cấy nếp ngon. Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước (bảo đảm giữ bánh được chừng nửa tháng).

    Nhà văn Nguyễn Tuân lý giải về nguồn gốc bánh tét: “Bánh này là “con” của “ông bà” bánh chưng, bánh dày từ thời vua Hùng. Khi mở cõi phía Nam, Tết đến, quân ta nhớ miền Bắc luộc bánh chưng, nhưng làm vuông thì khó mang theo người và mở ra phải ăn hết, họ sáng kiến làm bánh tròn để mỗi anh đeo tòng teng 2 đòn bánh và ăn đến đâu cắt đến đó. Khi Quang Trung tiến quân ra Thăng Long, bánh tét này là lương thực chủ yếu.

    Còn cái tên “tét” thì xuất phát từ việc gói bánh này để ăn Tết, để đón Tết nên gọi là bánh Tết. Ông thực dân Tây đọc không dấu thì gọi là bánh Tet, viết phiên âm là: “tét”.

    2. Nhà tôi là một ngôi nhà rường cổ nằm trên đường Chi Lăng thuộc khu phố cổ Gia Hộiquận Phú Xuân (thành phố Huế). Ông nội tôi vốn là một người thích đọc sách về văn hóa lịch sử và thích đi đây đó. Bởi thế, thuở nhỏ, tôi thường được ông nội kể cho nghe những câu chuyện về lịch sử Huế, văn hóa Huế, trong đó có câu chuyện về ngôi chợ Gia Lạc mở vào dịp Tết ở Huế xưa.

      Ông nội tôi cho hay, người ta đến chợ Gia Lạc không phải vì nhu cầu mua bán mà lấy sự vui vẻ, lấy việc cầu may làm chính nên ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sang trọng, đặc biệt là việc đi lại, nói năng trao đổi với nhau đều ý tứ, lịch thiệp. Họ không tranh luận, không to tiếng như các phiên chợ trong năm. Bởi tại nơi đây, dân nông thôn giao lưu với dân thành thị, giới quý tộc gặp gỡ giới bình dân. Hai bên đều có chung niềm vui là du Xuân đón Tết.

      • “Chợ Gia Lạc giờ vẫn còn phải không ông?”, tôi hỏi ông nội tôi.
      • “Không cháu à! Phiên chợ Gia Lạc chỉ được duy trì đến năm 1945, khi triều đại phong kiến nhà Nguyễn cáo chung, tức là gần cả trăm năm sau khi Định Viễn Công mất”, ông tôi trả lời.
      *Phiên chợ Gia Lạc được tái hiện năm 2012 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: huengaynay.vn

      Sau này tôi đọc báo mới biết, năm 2002, nghệ nhân ẩm thực xứ Huế Hồ Thị Hoàng Anh đã tái hiện chợ Gia Lạc của Tết Huế xưa tại khuôn viên Trường Đại học Munchen (CHLB Đức), sau đó chợ được tái hiện trong dạ tiệc cuối năm tại Le Lieu Unique (Pháp). Vào ngày 15-2-2012, lần đầu tiên kể từ năm 1945, phiên chợ Gia Lạc Tết Huế xưa được phục dựng trên tầng thượng tòa nhà Sailing (TP Hồ Chí Minh) cũng do nghệ nhân xứ Huế Hồ Thị Hoàng Anh thực hiện.

      Tết đến, được mặc quần áo mới, ăn bánh chưng, bánh tét, mứt, cắn hạt dưa, được lì xì, ngắm mai vàng nở rộ, được đi Đại nội xem bắn pháo hoa và nghe ông nội tôi kể những câu chuyện đầy thú vị, thật là những ký ức khó quên trong cuộc đời tôi.

      Tết này, ông nội đã rời xa tôi mãi mãi được hai mươi sáu năm. Tôi vẫn luôn nhớ về ông nội tôi – người kể cho tôi nghe những câu chuyện đời xửa đời xưa…

      Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN TOÀN

      • Hình bìa: Phong tục gói bánh tét của người Huế. Ảnh minh họa

      Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

      Recommended For You

      Để lại một bình luận