Cuối thu sang đông, khi ngoài đồng mùi hương thơm lúa nếp mới bay phảng phất tỏa khắp các phum sóc, bà con người Khmer chuẩn bị quết cốm dẹp nếp làm lễ vật cúng Trăng, đón mừng lễ hội Óoc Oom Bóc, một lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ.
Phum sóc vang tiếng chày
Những ngày này, có dịp về các phum sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống ở hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, khách sẽ thấy ấn tượng bởi những hoạt động rộn ràng, đầu trên – xóm dưới đều vang tiếng chày “cắc – cụp, cùm – cum”, cùng tiếng nổ “tí – tách” của những hạt lúa nếp rang trên bếp lửa hồng tỏa hương thơm ngào ngạt.
Những chàng trai Khmer tay vung cao chày giã từ nhẹ đến mạnh dần. Người mẹ quê ngồi bên bếp lửa rơm, tay đảo đều những hạt lúa nếp trên chảo đến khi có tiếng nổ đều; các cô gái nhẹ nhàng tung cái nia sàng sảy mẻ cốm dẹp cho sạch vỏ trấu và cám bụi sau khi giã. Còn đám trẻ con nô đùa bên đụn rơm cao ngất ở góc sân nhà…
Quết cốm dẹp là một công việc độc đáo. Để quết phải có cối bồng. Đây là loại cối giống như cối giã gạo của bà con ta ở nông thôn ngày trước nhưng phải được khoét lòng hẹp và sâu hơn.
Chày để quết cốm được làm bằng một thanh gỗ suôn, dài độ 1 thước rưỡi, nơi tay cầm được vuốt tròn nhỏ cho vừa nắm tay.
Người ta đặt cối giữa sân nhà, cạnh bên chiếc bếp dã chiến được đốt bằng ngọn lửa rơm.
Trước khi quết, nếp được rang trong một cái nồi, thường là nồi đất, mỗi lần rang vài ba lon, tùy theo cối quết lớn hay nhỏ. Đảo nếp cho đều, khi thấy hạt nếp vừa giòn là cho vào cối.
Hai người quết cốm thường là một nam một nữ, là đôi trai gái trong phum sóc đứng đối diện nhau, vừa làm, ánh mắt họ vừa nhìn nhau như trao đổi niềm tâm sự. Nhờ thế mà họ cảm thấy vui và hứng thú trong công việc, cho dù phải làm suốt đêm vẫn không thấy mệt. Có lẽ, chính nhờ tình cảm quyến luyến ấy của họ mà cốm dẹp mới ngon đến thế!
Mỗi người một tay cầm chày một tay cầm cây gạt vừa quết vừa gạt cho hạt nếp dính chày rớt xuống cối. Họ luân phiên quết cho đến khi những hạt nếp dẹp thì nghiêng cối cào hết cốm ra nia. Cầm nia trên tay, người ta sảy cho hết trấu rồi đem sàng để có được loại cốm ngon nhất.
Cốm dẹp mới quết rất giòn và dẻo, ăn không cũng cảm nhận được hương vị đặc trưng của nó. Bốc thử một nhúm cốm dẹp vừa sàng xong bỏ vào miệng nhai, chúng ta sẽ cảm nhận mùi thơm nhẹ và độ dẻo của lúa nếp mới chín sữa, cái vị hơi ngọt và dịu thanh của hương cốm dẹp không khác tình người ở chốn quê này – dịu dàng và hiếu khách.
Đặc sản cúng Trăng mừng lễ hội Óoc Oom Bóc
Theo truyền thống của người Khmer Nam bộ, lễ cúng Trăng, hay còn gọi là lễ Óoc Oom Bóc được tổ chức hàng năm vào đêm 15 tháng 10 âm lịch, nhằm tưởng nhớ và tạ ơn mặt trăng, vốn được người Khmer coi như một vị thần điều động mùa màng trong năm. Lễ vật đặc biệt trong lễ hội này là cốm dẹp, nên người ta còn gọi là lễ Óoc Oom Bóc, nghĩa là “ăn bụm cốm dẹp hay đút cốm dẹp”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam bộ Trần Văn Bổn, để chuẩn bị cho lễ cúng Trăng, người Khmer thường làm một chiếc cổng bằng tre có trang trí hoa lá; trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Ngoài cốm dẹp là thức cúng bắt buộc còn có trái dừa tươi, chuối, khoai lang, bánh kẹo và trái cây…
Buổi tối chuẩn bị xong, mọi người trải chiếu ngồi chắp tay quay mặt về phía Mặt trăng để chờ làm lễ. Đúng lúc Mặt trăng lên cao tỏa ánh sáng vằng vặc thì đốt nhang đèn, rót trà, mời vị sư làm chủ lễ. Ông nói lên lòng biết ơn của bà con phum sóc đối với Mặt trăng, xin Mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do bà con dâng cúng; ban cho mọi người sức khỏe dồi dào, cho mưa thuận gió hòa, cho năm tới trúng mùa, cho cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đó là mong ước ngàn đời không chỉ của riêng đồng bào dân tộc Khmer mà còn là ước vọng chính đáng của các dân tộc, của nhân loại.
Cúng xong, chủ lễ tập trung trẻ em lại ngồi xếp bằng, chắp tay nhìn về hướng Mặt trăng. Ông lấy cốm dẹp và các đồ cúng khác, mỗi thứ một ít đút vào miệng bọn trẻ rồi hỏi chúng ước gì.
Bọn trẻ sẽ nói ước nguyện của mình và ông khuyên dạy chúng phải chăm ngoan, học hành giỏi giang để giúp ích cho đời… Xong thủ tục này, mọi người vừa ăn uống, vừa múa hát vui chơi đến khuya.
Vào mùa Lễ hội Óoc Oom Bóc, khắp các phum sóc, nhà nhà lại quết cốm dẹp để cúng Trăng, vừa tăng thu nhập, vừa có sản phẩm giới thiệu khách phương xa.
Cốm dẹp nếp thường đong bằng lít vung, thường từ 35.000 – 40.000 đồng/lít. Muốn để ăn lâu chỉ đem phơi nắng tốt cho vào bọc nylon, an tâm để vài tháng vẫn ngon như thường.
Vài năm gần đây, do nhu cầu phục vụ khách phương xa, cốm dẹp quết kéo dài thời gian và được đóng gói rất cẩn thận và có tên thương hiệu theo vùng. Có lẽ, chính vì vậy, cốm dẹp của đồng bào dân tộc Khmer có mùi thơm của nếp mới rất đặc trưng.