Những chuyến xe lam chiều ngoại ô

Những ai sống ở Nha Trang thập niên 1980 hẳn không quên hình ảnh thân thương, tần tảo của những chuyến xe lam đêm ngày từ ngoại ô chạy về chợ Đầm. Có thể là những chuyến xe tanh nồng mùi cá từ Cầu Đá chạy lên, có thể là những chuyến xe lỉnh kỉnh rau trái từ Thành chạy xuống, thơ mộng nhất là có những chuyến xe chở đầy áo trắng học trò…

Nha Trang thập niên 1980 còn nhỏ tẹo. Nội thành khi đó hầu như được giới hạn phía Bắc là qua cầu Xóm Bóng, phía Tây không quá Mả Vòng và phía Nam thì tới đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ngày ấy, mới khoảng 9 giờ tối người ta đã ngại đi về Cầu Đá, về Bình Tân vì đoạn đường Trần Phú qua sân bay tối hù, một bên rừng dương rậm rạp…, lỡ gặp cướp thì biết kêu ai!

Thời bao cấp, Nha Trang còn nghèo lắm, phương tiện cá nhân chủ yếu là xe đạp nên xe lam là phương tiện chính của giao thông công cộng.

Bạn tôi nhà dưới Cầu Đá có chiếc xe lam, khi đó là cả một gia tài. Ông già bạn hào hứng cho biết, chiếc xe khi đó mua tới 30 cây vàng, hồi trước ngày đất nước giải phóng chạy xe tiền rủng rỉnh, nuôi cả nhà sống khỏe. Sau giải phóng, xăng dầu khan hiếm, thực hiện chế độ phân phối nghiêm ngặt, có xe phải vô hợp tác xã mới được tiêu chuẩn mua xăng dầu. Là xã viên nhưng vẫn quản lý xe mình, thời buổi xăng dầu khan hiếm nên vẫn thu tiền hàng ngày khỏe, mưa gió gì cũng chạy.

Xe lam hồi đó chạy theo mấy tuyến chính, có bến xe trung tâm nằm ở phía sau chợ Đầm, kề ngay bên đường Nguyễn Thái Học. Từ đây mới có các tuyến đi Bình Tân, Cầu Đá, ngã ba Đại Hàn ngoài Ba Làng. Những tuyến xa hơn đi Thành, Vĩnh Lương thì có xe Daihatsu 4 bánh nhỉnh hơn xíu mới đi qua đèo được. Daihatsu giống như chiếc xe chở hàng nhỏ bây giờ, thùng xe cũng có 2 băng ghế 2 bên, chở được cỡ 10 người vì thời đó ai cũng ốm nhom.

Xe lam được trưng dụng trong hoạt động tuyên truyền thập niên 1990.

Chẳng ai có thể quên những chuyến xe chật chội, cứ gặp khách dọc đường giơ tay lên là bác tài thắng két đón lên. Gặp khách đông, bác cười hề hà, bà con ráng ép vô chút cho người ta nhờ. Ghế hết thì đứng đu bám phía sau. Vậy là chạy tiếp. Xe thời bao cấp, nguồn phụ tùng thay thế không có nên phải độ chế tùm lum, xe yếu xìu.

Chuyện xe lam chở quá tải không bò lên nổi dốc cầu Hà Ra là chuyện thường, khi đó bác tài năn nỉ khách xuống cho xe nhẹ bớt mới lên cầu được. Hay nhớ những chuyến xe lam chạy tuyến Cầu Đá, tuyến Bình Tân (Vĩnh Trường) luôn tanh nồng mùi cá. Chiếc xe nhỏ, hai bên băng ghế đã có 10 người. Giữa xe lèn chặt các thùng cá, trên mui xe chất đầy những quang gánh, xô thùng… Cứ thế, chiếc xe tần tảo chở những người bán buôn cá đi về…

Nhớ ngày ấy, cơ quan tôi chia hai nơi, có một cơ sở nằm ngoài Ba Làng. Ngày Chủ nhật, chúng tôi hay kéo nhau ra ngoài Ba Làng thăm bạn.

Hành trình thăm nhau nghĩ lại thấy cũng thật nhiêu khê. Cả bọn phải xuống chợ Đầm, đón xe tuyến ngã ba Đại Hàn, đến khúc đường Bắc Sơn bây giờ xuống xe đi bộ vào; khi về lại lội bộ ra đường 2-4 đón xe…

Có một câu chuyện nhớ lại cười đau cả bụng. Ấy là có buổi chiều, do mải nhậu nên cả bọn kéo nhau ra đường chờ chuyến xe cuối. Chuyến cuối nên khách đông, phải đứng bám sau xe. Bạn tôi nhậu say cũng chạy lệt bệt đu theo. Có lẽ cũng bởi say mà bạn bám trúng… lưng quần cô gái để đu lên, nghe cái rột… Cô gái thét lên như còi cứu hỏa, cả xe quay lại vừa cười ngặt nghẽo vừa mắng thằng bạn. Cả “nạn nhân” lẫn “thủ phạm” cúi gằm, mặt đỏ cháy vì mắc cỡ. Sau này, mỗi khi ngồi với nhau, bọn tôi lại lôi chuyện này ra làm… mồi nhậu. Mỗi lần kể là một lần thêm mắm dặm ớt, cười chảy nước mắt nước mũi.

Giờ đây, muốn ra nhà bạn, chạy xe máy cái vèo qua cầu Trần Phú. Trong làn gió dạt dào từ biển, chợt cảm khái, không biết còn ai có nhớ kỷ niệm về những chuyến xe lam tảo tần một thời nối ngoại ô xa ngái.

THỦY NGÂN

Recommended For You