Từ hồi xe lam bị hạn chế lưu hành, các tài xế xe lam phải đổi nghề khác, chỉ bến xe lam là còn. Một hôm nào đó, khi qua đêm trong căn nhà ba gian đã vắng bóng ngoại từ lâu, tôi bồi hồi thức giấc.
Bến xe ở bên hông chợ Tuần (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) giờ vẫn còn, nhưng những chiếc xe lam đã mất dấu. Sáng nay tôi đi làm, chạy ngang chợ, nghe tiếng xe máy của ai đó cất lên tiếng lạch bạch già cỗi, ngỡ là âm thanh xe lam vào bến ngày xưa.
Nhà ngoại nằm cạnh bến xe lam của chợ Tuần. Thuở nhỏ, khi ba mẹ bận bịu với những cuộc mưu sinh xa nhà, tôi được mẹ đưa sang nhà bà ngoại. Chỉ cách một con sông, mà phía nhà tôi chẳng có điện và nước máy, “quê” lắm. Còn bên này sông, chợ Tuần sầm uất, nhộn nhịp ngày đêm.
Ngày ấy, tôi thích vùi mình trong chiếc chăn nâu của ngoại, mỗi sớm mai, nằm nghe phố chợ thức giấc. Chiếc chăn nâu đã cũ, có những đóa hoa thêu be bé nhạt màu, lúc nào cũng thơm nức mùi nắng, mùi bồ kết, mùi đinh lăng còn vương từ tóc của ngoại.
Những buổi sáng mờ sương, khi chuyến xe lam đầu tiên rời bến, cũng là lúc ngoại trở dậy nhóm bếp, pha trà. Chén trà đầu tiên bao giờ cũng được ngoại kính cẩn đặt lên bàn thờ ông. Bao năm như thế, kể từ khi ông vội vã về trời trong một lần tai nạn, bên ấm trà nghi ngút khói, chỉ còn ngoại đơn lẻ.
Tôi nhớ những sớm mai rộn rã, trong tiếng bước chân lẹt xẹt của ngoại quanh góc bếp, là tiếng nói cười nhộn nhịp của người ra chợ, và cả tiếng xe lam rời bến.
Những chiếc xe lam thuở ấy, cũ kỹ lắm. Cái sự cũ kỹ, già cỗi không chỉ toát ra từ mớ âm thanh như xé ngang xé dọc, từ làn khói xám chạy dài sau đuôi xe, mà ở cả những vết gỉ sét, bong tróc sơn trên thân xe.
Hiếm hoi lắm mới có lần tôi được ngoại dắt tay lên xe lam về phố. Đó là những lần ngoại cho tôi đi chợ Đông Ba ở thành Huế để mua sắm dịp cuối năm, hoặc khi chuẩn bị cho năm học mới, đôi khi là để ghé thăm nhà người thân.
Chiếc xe lam có hai băng ghế dài đặt sát thành xe. Nệm ghế cũ sờn, lớp bọc nệm màu sẫm, có chỗ rách lòi miếng mút bên trong.
Nhà cạnh bến xe nên lần nào ngoại cũng ra sớm, dành cho tôi một chỗ trên băng ghế ấy. Người lên xe muộn sẽ phải ngồi ở chiếc ghế nhỏ dưới hai băng ghế. Cạnh bác tài cũng có một chỗ ngồi. Lúc xe đông khách, thế nào cũng có người lên ngồi ở cái ghế cạnh bác tài, nhưng ngoại chẳng bao giờ cho tôi lên vị trí đó.
Mỗi lần được đi xe lam, tôi háo hức lắm. Song cái sự háo hức ấy chỉ kéo dài chừng một chút. Khi xe vòng qua vòng lại mấy con đường, tôi đã nép vào ngực ngoại, thiu thiu ngủ. Gió đường thốc vào xe, làm hai tấm ni-lông phủ bên sườn xe kêu lên phần phật. Âm thanh rổn rảng chuyện trò của mấy mệ mấy dì cũng chẳng khiến tôi thức giấc.
Trong những cơn mơ màng, tôi ngửi thấy mùi xăng nồng nồng. Cái mùi xăng mà bọn trẻ xóm chợ chiều nào cũng chạy ra ngóng xe lam xuất bến và hít hà. Tôi từng suýt bị ngoại cho ăn đòn vì theo chân lũ trẻ đi ngửi xăng trong một chiều chang chang nắng.
Từ hồi xe lam bị hạn chế lưu hành, các tài xế xe lam phải đổi nghề khác, chỉ bến xe lam là còn. Một hôm nào đó, khi qua đêm trong căn nhà ba gian đã vắng bóng ngoại từ lâu, tôi bồi hồi thức giấc.
Giữa muôn vàn âm thanh rộn rã vọng lại từ ngôi chợ nhỏ, có tiếng bước chân người, tiếng xe xuôi ngược. Ngắm những hạt sương giăng mắc trên cành, tôi bỗng nhớ tiếng xe lam lạch bạch của những ngày rất cũ…
Lê Ngọc Hà
Nguồn: Báo Phụ nữ TPHCM