Hiện nay, với những công cụ trực tuyến miễn phí và đa dạng từ Google, giáo viên có thể quản lý lớp học một cách hiệu quả mà không mất nhiều thời gian, cũng như dễ dàng gia tăng mức độ tương tác, hay trình diễn trực quan sinh động các bài giảng.
Bộ sưu tập các giải pháp và công cụ miễn phí dành cho giáo dục của Google có thể sẽ là lời giải cho nhiều giáo viên tại Việt Nam trong việc làm giàu nội dung cho bài giảng, thu hút sự chú ý của học sinh bằng các hình ảnh minh họa trực quan, thúc đẩy học sinh tương tác vào bài giảng, kiến thức giá trị liên quan bổ sung và quản lý lớp học theo hướng số hóa, hiện đại hơn. Hơn nữa, những công cụ này cũng có thể giúp giáo viên tiết kiệm thời gian trong việc soạn giáo án, bài giảng.
Thư viện kỹ thuật số cho các môn lịch sử, địa lý, mỹ thuật
Để làm giàu kiến thức cho bài giảng các môn lịch sử, địa lý, mỹ thuật của mình, giáo viên có thể tìm kiếm dữ liệu từ Google tìm kiếm (Google Search) hay Wikipedia. Tuy nhiên, việc này thường mất nhiều thời gian, do phải sàng lọc và kiểm chứng thông tin. Thật ra, trong những năm gần đây, Google đã phát triển những thư viện chuyên biệt chứa cả kho tàng tri thức lẫn cách thức ứng dụng tương đối dễ dàng để đưa vào các bài giảng, trình bày theo xu hướng hiện đại.
Trong số đó, có thể kể đến hàng loạt công cụ hữu ích dưới đây:
– Google Earth (www.google.com/earth): một công cụ dành cho các giáo viên dạy môn địa lý, tự nhiên. Google Earth có thể truy cập nhanh qua trình duyệt web hoặc ứng dụng di động, hoặc phiên bản Google Earth Pro (www.google.com/earth/versions) dành cho máy tính để bàn (desktop, laptop).
– Google Arts & Culture (https://artsandculture.google.com): một kho tàng tri thức về các tác phẩm mỹ thuật, nghệ thuật truyền thống và hiện đại, các địa danh tự nhiên và nhân tạo nổi tiếng, cũng như rất nhiều nội dung về văn hóa trên khắp thế giới được số hóa và hiện đại hóa với các công nghệ AR/VR/AI.
– Google Expeditions (https://edu.google.co.in/products/vr-ar/expeditions/?modal_active=none): ứng dụng minh họa trực quan bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR), hay thực tế ảo (VR) với các ảnh đồ họa 3D.
– YouTube Learning Hub (www.youtube.com/learning): nơi tổng hợp các nội dung giảng dạy từ các nguồn uy tín là những giảng viên, chuyên viên, khoa học gia thuộc cộng đồng nhà sáng tạo YouTube ở nhiều lĩnh vực, bộ môn, từ khoa học thường thức, kỹ năng mềm, đến khoa học công nghệ cùng những kỹ năng mới phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện đại.
Quản lý các lớp học với G Suite cho giáo dục
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đã có nhiều giáo viên lẫn học sinh lúng túng trong việc triển khai dạy và học từ xa tại nhà. Cũng trong thời điểm đó, Google đã phát hành trọn bộ giải pháp dành cho giáo dục mang tên G Suite cho giáo dục (G Suite for education) cung cấp miễn phí cho các giáo viên và tổ chức giáo dục tại địa chỉ https://edu.google.com/products/gsuite-for-education/?modal_active=none.
Theo Google, đây là bộ giải pháp có nhiều công cụ hữu ích cho nhà trường và giáo viên trong việc quản lý lớp học và giảng dạy, phù hợp với xu hướng tích hợp song song học tại lớp và học trực tuyến hiện nay.
Đến thời điểm hiện tại, bộ giải pháp G Suite cho giáo dục có các công cụ:
– Google Classroom: quản lý toàn diện lớp học với các công cụ phân bổ môn học, phân bổ bài tập, tương tác phản hồi và trao đổi với học sinh. Các giáo viên có thể gia tăng thêm sự tương tác phù hợp với các nhóm theo độ tuổi bằng các công cụ của bên thứ ba tương thích Classroom (https://edu.google.com/products/classroom/apps/?modal_active=none), như Quizizz dành cho học sinh cấp 1, tạo bài giảng tương tác qua Pear Deck, tạo trò chơi giải đố bài tập bằng Classcraft, hoặc STEM như Khan Academy, giải toán với Math Games by TeachMe…
– Google Meet: kết nối hoặc giảng dạy cho học sinh qua hình thức họp video trực tuyến, gồm: tổ chức các buổi học video trực tuyến cho cả lớp cùng tham gia; trực tiếp cho đến 100.000 người xem trong cùng một tên miền; ghi hình cuộc họp và lưu trữ trên Google Drive
Google Docs, Sheets, Slides với việc tạo văn bản, bảng tính và tập tin trình bày. Nó sẽ tự động sao lưu và tạo ra các bản lưu cho từng thay đổi của người dùng. Ngoài ra, giáo viên có thể chỉnh sửa bài nộp của học sinh, hoặc góp ý (comment) ngay trên nội dung mà học sinh soạn thảo.
– Google Forms (biểu mẫu): giúp giáo viên tạo dễ dàng các bài tập dạng hỏi – đáp để học sinh phản hồi trực tiếp với nhiều chọn lựa. Nó cũng có thể kết nối với Google Sheets để giáo viên có thể theo dõi phần giải đáp chi tiết của từng học sinh.
– Sites: công cụ giúp giáo viên dễ dàng tạo ra website, hoặc tạo các bài giảng mang tính chuyên nghiệp cao.
– Jamboard: bảng vẽ tương tác cùng lúc nhiều người.
– Lịch Google (Calendar): tạo thời khóa biểu học và chỉ định học sinh, kèm theo lời nhắc cho từng học sinh.
– Gmail: nhà trường có thể tạo các tài khoản email cho từng lớp, từng học sinh theo tên miền website của trường.
– Google Drive và Vault: nơi lưu trữ dữ liệu cho nhà trường, giáo viên và cả học sinh. Nó cho phép người dùng phân cấp trong việc quản lý dữ liệu để đảm bảo an toàn bảo mật.
– Groups: tạo các câu lạc bộ, hội nhóm cho trường, nơi tương tác của các thành viên trong nhóm.
Cách đăng ký sử dụng G Suite miễn phí cho giáo dục
Các trường học tại Việt Nam có thể đăng ký G Suite cho giáo dục qua Trung tâm giải pháp công nghệ thông tin giáo dục (EITSC) thuộc Cục công nghệ thông tin của Bộ giáo dục và đào tạo, trên trang web https://eitsc.edu.vn/vi/news/dich-vu/dich-vu-cho-g-suite-for-education-43.html, hoặc liên hệ qua các số điện thoại (024.3266.9628 – 0364.714.702 – 0936.066.158), hoặc email: eitsc@moet.edu.vn, hoặc tham khảo trước cách đăng ký trên trang web https://eitsc.edu.vn/vi/news/dich-vu/huong-dan-g-suite-4-education-70.html.