Nuôi cá bớp thương phẩm trong ao đất ở Ninh Thuận

Sau nhiều năm nuôi tôm, ốc hương thương phẩm không đem lại lợi nhuận như mong muốn, nông dân Nguyễn Đức Minh ở thôn Gò Gũ, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã cải tạo hơn 1ha đìa nuôi tôm trước đó thành ao nuôi cá bớp. Bước đầu, mô hình đã đem lại hiệu quả.

Từ lúc thả con giống nuôi đến khi thu hoạch là 10 tháng. Đặc biệt, cá bớp có kích thước và trọng lượng càng lớn thì giá bán cho thương lái càng cao hơn rất nhiều so các loại thủy sản khác.

Vừa nuôi vừa học kinh nghiệm

Một ngày cuối tháng 10/2023, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá bớp thương phẩm đầu tiên trong ao đất của nông dân Nguyễn Đức Minh, 59 tuổi, sau 2 năm nuôi thử nghiệm thành công. Ông Nguyễn Đức Minh cho biết, nuôi cá bớp trong ao đất giảm nhiều chi phí, dễ chăm sóc hơn so với nuôi cá bớp trong lồng bè trên biển.

Mấy chục năm trước đây, xã Hộ Hải được coi là “thánh địa” nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng nổi tiếng tại tỉnh Ninh Thuận cũng như khu vực duyên hải miền trung. Sau nhiều thăng trầm do môi trường ngày càng kém, phát sinh dịch bệnh khiến tôm chết, năng suất thấp, lỗ nặng,… nhiều hộ chuyển sang nuôi cá mú, ốc hương… nhưng chỉ là cầm chừng để giữ ao, đìa do giá thị trường bấp bênh, không có lãi.

Với hơn 20 năm nuôi thủy sản, lão nông Nguyễn Đức Minh tự tìm tòi tài liệu để nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật nuôi cá bớp. Năm 2021, ông Minh đầu tư 500 triệu đồng để chuyển đổi 3 sào đìa tôm (3.000m2) thành ao và thả nuôi thí điểm hơn 1.000 con cá bớp giống (kích thước từ 18-20cm/con). Sau hơn 10 tháng nuôi, cá bớp sinh trưởng tốt, đạt trọng lượng 5kg/con, được thương lái thu mua tận nơi với giá 230.000 đồng/kg.

Với kết quả ban đầu, năm 2022, ông đầu tư thêm 1 tỷ đồng để mở rộng ao nuôi lên 5 sào và thả nuôi hơn 2.000 con cá bớp giống. Do lần này thả nuôi số lượng lớn và chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, nên không nắm bắt và xử lý kịp thời tình trạng hàm lượng khí ô-xy trong ao nuôi thiếu cùng với môi trường bị tác động khiến cho độ pH của nguồn nước trong ao nuôi không ổn định theo thông số kỹ thuật (độ ngọt, mặn của nước dưới mức cho phép), nên dẫn đến số lượng cá trong ao nuôi chết do ngạt thở nhiều. May mắn là sự cố xảy ra gần thời điểm thu hoạch, thương lái thu mua giá hơn 180.000 đồng/kg, nên cũng lãi hơn trăm triệu. Tuy, không đạt kết quả như ông Minh tính toán ban đầu nhưng đã phát lên tín hiệu khả quan hơn nuôi các loài thủy sản khác.

Sau hai lần nuôi “thí điểm”, nông dân Nguyễn Đức Minh dần hiểu được tập tính của loài cá bớp và tích lũy một số kinh nghiệm chăm sóc, xử lý sự cố hàm lượng khí ô-xy trong ao thiếu hay độ pH không ổn định, đồng thời để giảm chi phí hơn nữa, ông Minh áp dụng phương thức cho đàn cá bớp ăn xen kẽ thức ăn tươi (dùng máy xay nhuyễn các loài hải sản sống) và thức ăn tinh (dạng thức ăn khô đóng thành viên nén), luôn bảo đảm cho đàn cá ổn định nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng để nhanh lớn.

Đầu năm 2023, ông Nguyễn Đức Minh thả nuôi 4.000 con cá bớp trên diện tích 1ha (10.000m2) được chia thành 5 ao, mật độ thả nuôi 2,5m2/con. Để có cá bán thường xuyên, ông Minh thả nuôi cá bớp theo hình thức gối đầu (các đợt thả giống xuống các ao nuôi lần lượt cách nhau 3 tháng). Hiện, đàn cá đã nuôi hơn 10 tháng, trọng lượng bình quân đạt 5kg/con, dự tính sẽ xuất bán vào dịp cuối năm nay.

Đàn cá bớp được thả nuôi vào đầu năm 2023 nay đã 10 tháng tuổi, bình quân đạt trọng lượng 5kg/con, hứa hẹn đem lại thu nhập cao khi ông Nguyễn Đức Minh xuất bán vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, do môi trường bị ô nhiễm nhiều, nên có không ít cá nuôi bị chết vì mắc các bệnh từ những con đỉa ký sinh chui vào mắt và mang cá, làm cá nhiễm bệnh, bỏ ăn và chết

Môi trường Đầm Nại đang bị ô nhiễm

Cá bớp đang là loài thủy hải sản đem lại thu nhập cao cho nông dân. Hiện nguồn giống chất lượng được Trung tâm Giống hải sản cấp I tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sản xuất rất dồi dào, bảo đảm cung ứng giống cho hàng trăm hộ nuôi, chủ yếu thả nuôi trong các lồng bè trên biển tại tỉnh Ninh Thuận.

Riêng hình thức nuôi cá bớp trong ao, đìa thì mới hình thành tại xã Hộ Hải và ông Nguyễn Đức Minh là người tiên phong trong 3 năm qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Phạm Bá Hồng Lam, cán bộ nông nghiệp xã Hộ Hải cho biết: “Từ thành công ban đầu của ông Minh, xã xác định nuôi cá bớp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nuôi. Sắp tới xã sẽ tham mưu lãnh đạo cấp trên có kế hoạch khảo sát lại và nhân rộng hiệu quả mô hình nuôi cá bớp để nông dân khôi phục, cải tạo lại hàng trăm ha ao, đìa nuôi tôm, ốc hương… đã bỏ hoang nhiều năm qua để nhân rộng mô hình nuôi mới”.

Theo nông dân Nguyễn Đức Minh, để cá bớp nuôi trong ao đất sinh trưởng tốt điều cần thiết nhất là vệ sinh ao để bảo đảm nguồn nước có độ pH ổn định. Việc này sẽ giảm tối đa khả năng cá mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh do đĩa ký sinh chui vào mắt và mang cá, làm cá nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sản lượng.

Một góc Đầm Nại, huyện Ninh Hải đang có nhiều hộ nuôi hải sản tự phát, xả rác thải bừa bãi xuống Đầm Nại khiến cho môi trường đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nghề nuôi hải sản truyền thống tại tỉnh Ninh Thuận.

Ông Minh cho biết thêm, hiện, môi trường chung quanh Đầm Nại, huyện Ninh Hải rất lý tưởng để phát triển nghề nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá bớp nói riêng. Tuy nhiên, một số hộ nuôi tự phát làm ảnh hưởng đến môi trường chung của Đầm Nại. Rất mong chính quyền và các ngành chức năng sớm xử lý, để trả lại môi trường trong xanh cho bà con phát triển nghề thủy sản truyền thống ở địa phương đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trong tương lai.

Nguồn: Báo Nhân Dân | NGUYỄN TRUNG

Ảnh bìa: Nông dân Nguyễn Đức Minh ở thôn Gò Gũ, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) người tiên phong nuôi cá bớp trong ao đất đang đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi các loài hải sản khác tại địa phương.

Recommended For You