Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa và con người, đặc biệt là việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cương lĩnh chính trị (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.

Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục nhấn mạnh: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nghị quyết Đại hội XIII của Ðảng đã xác định một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, đó là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn.

Thực tiễn đã chứng minh từ khi nước ta giành độc lập, tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là sau 35 năm đổi mới, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc luôn được cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và Nhân dân nuôi dưỡng, phát huy.

Hiệu quả cao nhất mà văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam đem lại chính là nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, là nhân lên lòng yêu nước, ý chí khát vọng và tinh thần cống hiến của mỗi người dân vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự trường tồn của dân tộc.

Bởi các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc bắt nguồn từ những điều rất gần gũi, dung dị từ hình ảnh Đất Nước:
“…Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn,
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Tóc mẹ thì bới sau đầu,
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn,
Cái kèo, cái cột thành tên,
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng,
Đất Nước có từ ngày đó…”

(Trích bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm).

Mỗi người dân Việt Nam đều cảm thấy vinh dự, tự hào về những giá trị văn hóa, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, khí thế hào hùng của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước; tự hào về thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để Nhân dân ta được ấm no, hạnh phúc, để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế quốc tế như ngày nay.

Chúng ta tự hào và tri ân lớp lớp người con đất Việt đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quôc tế giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng và hiện nay các chiến sỹ bộ đội Cụ Hồ còn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Cảm thấy tự hào bởi tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc che chở, mang nặng nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam trong phòng, chống thiên tai; phòng, chống đại dịch Covid-19 với nghĩa cử cao đẹp lá lành đùm lá rách, giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Đất nước hòa bình nhưng cán bộ, chiến sỹ bộ đội, công an vẫn ngã xuống hy sinh trong thiên tai, bão lũ, trong phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh, quên mình vì Nhân dân.

Đó chính là chiều sâu giá trị văn hóa, con người Việt Nam, là kết tinh truyền thống dân tộc, sự tinh túy của tâm hồn nhân văn Việt Nam. Và những hình ảnh đó luôn sống động, khơi dậy tinh thần đoàn kết, động viên và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vào Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển đất nước.

Tuy nhiên, văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam vẫn còn những điểm cần lưu ý. Đảng ta cũng đã nhìn nhận, đánh giá thực tại của đất nước về văn hóa và các giá trị văn hóa, con người Việt Nam: Đó là tình trạng tham những, tiêu cực; sự xuống cấp khá nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận nhân dân, nhất là những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội tác động đến lớp trẻ; đó là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, thiếu trách nhiệm với xã hội; tư tưởng ngại lao động, thích hưởng thụ, chạy theo lối sống thực dụng; lợi dụng yếu tố văn hóa để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bởi vậy, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong xã hội; cần nhân lên các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc để phát huy và gìn giữ, tạo tiền đề, động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Đảng ta cũng đã khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Để phát huy giá trị của văn hoá, con người Việt Nam đảm bảo cho sự phát triển bền vững đất nước, góp phần vào thành quả của sự nghiệp cách mạng, tôi thiết nghĩ chúng ta cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các giá trị văn hóa, con người Việt Nam đối với sự phát triển bền vững đất nước. Khơi dậy tinh thần đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình của đồng bào, của Nhân dân trong và ngoài nước cùng chung tay hành động, xây dựng thế trận lòng dân, giữ gìn và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá dân tộc trong giai đoạn mới.

Hai là, cần nâng cao văn hóa chính trị, phát huy cao độ tính Đảng, tính chiến đấu, tính cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; đặc biệt là lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo, quản lý các cấp; chống chủ nghĩa cá nhân, thực dụng; kiên quyết, kiên trì chống tham những, tiêu cực. Người đứng đầu cần gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Ba là, xây dựng văn hóa trong mỗi gia đình; xây dựng văn hóa trong công sở, cơ quan, doanh nghiệp văn minh, chuyên nghiệp, thái độ phục vụ Nhân dân chu đáo; cán bộ, công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, năng động, sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ với năng suất và hiệu quả cao nhất.

Bốn là, mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội, hãy là một thành viên có trách nhiệm, tích cực lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm tử tế; không bình luận, đưa tin những thông tin, sự việc chưa rõ nguồn gốc; phản bác những thông tin bịa đặt, kích động.

Năm là, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân; thực hiện tốt các thiết chế văn hóa; tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, luôn là một công dân gương mẫu, trách nhiệm;

Sáu là, tập trung nguồn lực để đầu tư cho con người, đầu tư cho giáo dục; luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng đảm bảo cho sự phát triển bền vững đất nước.

Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, mỗi người dân; đặc biệt là thế hệ trẻ với tư cách là công dân và con người xã hội trong điều kiện mới, cùng chung tay phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hoá, con người Việt Nam, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đó chính là góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát triển đất nước bền vững; là bằng chứng đanh thép, xác thực nhất chống lại mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN.2021

2. Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 24/11/2021, Văn phòng Trung ương Đảng, tháng 12/2021.

3. Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN.1998.

4. Cương lĩnh chính trị 2011, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN.2011.

5. Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN.2014.

6. Báo điện tử Đảng Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Đặng Văn Kiên

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận

Recommended For You