Theo Cục bảo vệ thực vật, nhiều năm qua, bệnh chổi rồng hại nhãn đã phát sinh thành dịch và gây thiệt hại nặng cho nhiều vườn trồng nhãn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông Nam bộ.
Việc xác định tác nhân gây bệnh chưa thống nhất, nhưng đã xác định được nhện lông nhung nhãn (Eriophyes dimocarpi Kuang) là môi giới truyền bệnh.
Nhện lông nhung có kích thước rất nhỏ, không nhìn thấy được bằng mắt thường. Vòng đời của nhện lông nhung khoảng 8 – 15 ngày, một năm sinh sản 13 – 15 thế hệ. Nhện phát sinh, phát triển mật độ cao vào các đợt cây ra lộc non, ra hoa; gây hại nặng nhất trong những tháng mùa khô (tháng 2, 3, 4 và tháng 11 – 12).
Triệu chứng bệnh
Bệnh chổi rồng gây hại chủ yếu trên đọt non, nụ hoa. Khi ra đọt non phát triển dài khoảng 2 – 3 cm, lá bị co lại và mọc thành từng chùm nhìn như bó chổi.
Trên chùm hoa, bệnh gây hại làm chùm hoa co cụm, không đậu trái hoặc đậu rất ít trái.
Nhện gây hại và truyền bệnh sớm trên chồi non và nụ hoa. Khi không có đọt non, nhện chích hút trên lá già nhưng không biểu hiện rõ triệu chứng.
Phương thức lây lan của bệnh
Bệnh chổi rồng hại nhãn lây lan chủ yếu qua hai con đường: qua nhân giống vô tính (ghép, chiết cành từ các cây bị bệnh); qua môi giới truyền bệnh là nhện lông nhung hại nhãn.
Nhện phát tán qua vận chuyển cây giống, sản phẩm của cây nhãn, đồng thời nhện phát tán từ nơi này qua nơi khác nhờ gió, động vật khác như chim, côn trùng…
Biện pháp phòng chống
Sử dụng giống kháng và giống sạch bệnh: trồng giống kháng bệnh: nên mở rộng trồng giống Edor, giống xuồng cơm vàng có giá trị thương phẩm cao, chống chịu tốt với bệnh.
Tại các nơi đã bị bệnh, đặc biệt là vùng có áp lực bệnh cao nên áp dụng biện pháp ghép giống nhãn bằng giống xuồng cơm vàng hoặc một số giống nhãn khác có thể thay thế giống tiêu da bò bị nhiễm nặng.
Không nhân giống nhãn bằng phương pháp chiết, ghép từ những cây trong vườn, khu vực bị nhiễm bệnh. Tránh vận chuyển cành, mắt ghép làm giống có xuất xứ từ những khu vực bị nhiễm bệnh sang khu vực chưa nhiễm bệnh. Cây giống phải đảm bảo sạch bệnh.
Biện pháp canh tác
– Chăm sóc, bón phân hữu cơ, vô cơ cân đối, có thể bón thêm các phân bón vi lượng qua gốc hay qua lá để cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu bệnh, cây ra đọt, ra hoa tập trung.
– Tưới nước đầy đủ theo nhu cầu nước của cây, chú ý giai đoạn cây ra lộc (cơi đọt), ra hoa – trái non. Trước khi cây ra hoa dùng vòi tưới áp lục cao phun lên tán cây có thể rửa trôi nhện lông nhung, làm giảm mật độ nhện, đồng thời tạo ẩm độ giúp cây ra hoa tập trung hơn.
Thường xuyên kiểm tra vườn nhãn để ngắt bỏ ngay các chồi, cành, chùm hoa mới bị nhiễm bệnh và đem tiêu hủy. Chỉ cần bẻ cành bệnh 10 – 20 cm, nên bẻ cành bằng tay hoặc dùng móc để bẻ. Loại bỏ những cây là ký chủ phụ của nhện như bồ ngót, bóng nẻ…
Ở các vườn nhãn hay vùng trồng nhãn thường xuyên bị nhiễm bệnh nên tiến hành phun phòng trừ nhện 3 lần: vào giai đoạn ra đọt non lần 1, lần 2 và lúc nhú mầm hoa khoảng 2 – 3 cm (có thể phun cùng với thuốc phòng trừ sâu bệnh hại khác).
Sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh nhện lông nhung kháng thuốc.
Sử dụng thuốc có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng phòng trừ nhện lông nhung hại nhãn ở Việt Nam.
Có thể pha thêm dầu khoáng với thuốc trừ nhện cho hiệu quả phòng trừ cao hơn; phun thuốc hóa học phải theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì.