Phòng trị bệnh chân móng trên bò sữa

    Hội thảo “Giải pháp phòng trị tổng hợp cho bệnh chân móng trên bò sữa nuôi tại nông hộ” vừa diễn ra tại TP.HCM cung cấp cho các trang trại, hộ nông dân về nguyên nhân, hậu quả và quy trình phòng trị bệnh chân móng trên bò sữa nuôi tại nhà với hiệu quả nhanh, chi phí phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi bò sữa.

    Hội thảo này do Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN (CESTI – Sở KH&CN TP.HCM) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao KH&CN – Đại học nông lâm TP.HCM tổ chức.

    Theo GS.TS. Dương Nguyên Khang (Trường ĐH nông lâm TP.HCM), trong chăn nuôi bò sữa, bệnh tật sẽ ảnh hưởng đến sức sản xuất và hiệu quả kinh tế. Trong đó, bệnh chân móng chiếm tỷ lệ lớn về sức khỏe bò sữa.

    Bệnh chân móng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sức đề kháng của bò, gây giảm tuổi thọ đàn, giảm trọng lượng, giảm sản xuất sữa, giảm chất khô sữa, tăng viêm vú và sinh sản kém… Đặc biệt, sức đề kháng yếu sẽ dẫn đến các bệnh truyền nhiễm ở bò, làm tăng chi phí chăm sóc chữa trị.

    Vì thế, việc phòng trị các bệnh trên bò sữa, đặc biệt là bệnh chân móng có ý nghĩa quan trọng trong chăn nuôi bền vững tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

    Có thể đánh giá về bệnh trên móng của bò giai đoạn nặng có thể căn cứ vào một số điểm: mủ lan ra vùng vành móng; mụn hột dạng xúc tu mọc ra từ u hạt; nhiều vết nứt xuất hiện trên gót, có ăn mòn lan rộng khắp móng; vết nứt lớn và lan rộng tới vùng vành móng, trong một số trường hợp nghiêm trọng, móng có thể sứt ra khỏi vành móng…

    Có nhiều nguyên nhân gây bệnh trên móng, trong đó phần nhiều là người nuôi chưa cân bằng dinh dưỡng; sử dụng nhiều cám hỗn hợp; ít hoặc không bổ sung khoáng và chất đệm dạ cỏ; bò cầm cột, ít vận động.

    Và một điều không thể không kể đến đó là việc hiểu biết phòng trị chân móng tại hộ chăn nuôi còn thấp.

    Hiện nay, các phương pháp giúp giảm bệnh chân móng gồm: bổ sung premix khoáng và gọt móng định kỳ kết hợp cho phòng chân móng; cắt tỉa, bôi kháng sinh và kết hợp bổ sung premix khoáng vào khẩu phần cho trị chân móng.

    Bên cạnh việc chú ý đến tỷ lệ tinh/thô, bổ sung bicarbonate và kẽm trong khẩu phần ăn hàng ngày của bò tùy vào biểu hiện chân móng, đi lại, năng suất và chất lượng sữa, tế bào sữa, thể trạng… thì việc phòng bệnh và điều trị cần chú ý đến một số phương pháp phổ biến sau:

    Vận động: phương pháp này nhằm mục đích tăng biến dưỡng, phục hồi chân móng. Mỗi ngày, cho bò nằm từ 10 – 14 giờ. Chuồng được bố trí thích hợp cho bò nằm đủ thời gian, có 2 lô, 5 con/lô. 2 lô gồm lô đối chứng (cầm cột) và lô thí nghiệm (vận động trong chuồng).

    Gọt móng định kỳ: nhằm mục đích làm giảm bệnh chân móng. Tiến hành việc cắt tỉa loại mô sừng hoại tử, thúc đẩy sản xuất sừng mới, thực hiện từ 1 – 2 lần/năm.

    Sát trùng và kháng sinh: nhằm mục đích phục hồi bàn chân. Quy trình điều trị: rửa sạch, gọt bỏ mô hoại tử, bôi thuốc kháng sinh hoặc sulfate, thuốc sát trùng. Tách đàn để điều trị riêng và tránh lây lan.

    Vệ sinh môi trường, sử dụng bồn tắm chân để kiểm soát lây lan bệnh thối chân. Dung dịch ngâm chứa 5% sunfat đồng, độ sâu bồn ngâm là khoảng 10 cm; bồn ngâm chân phải đặt ở nơi mà bò phải đi qua đó nhiều lần trong ngày.

    Gọt bỏ vết loét: nhằm mục đích phục hồi vết loét. Qui trình điều trị: gọt bỏ tế bào hoại tử, làm sạch, bôi chất lỏng khử trùng. Cắt tỉa vết loét hoặc mô tổn thương, bôi kháng sinh (oxytetracycline); bôi bột hòa tan, tiêm trực tiếp vào nơi tổn thương để kiểm soát nhiễm trùng và ngăn ngừa tái phát của mô hạt.

    MAI THY

    Recommended For You