Thiên lý là cây lưu niên, nếu chăm sóc tốt thì chỉ cần trồng một lần là có thu hoạch từ 3 – 4 năm, đây là loại rau cao cấp rất được ưa chuộng, góp phần làm phong phú thêm lượng rau sạch trong bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, để có sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng, nông dân trồng thiên lý cần lưu ý:
Mặc dù thiên lý ít bị sâu bệnh hơn các loại cây khác, nhưng trong mùa nắng nóng thường hay bị rầy mềm và bọ trĩ gây hại trên đọt non và hoa. Chúng chích hút làm đọt non bị co rúm, kém phát triển, ra hoa ít, hoa đèo đẹt.
Vì vậy, bạn cần theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm khi mật số còn thấp. Việc tưới phun trên lá cũng hạn chế sự phát triển của bọ trĩ.
Với các loại côn trùng nói trên, có thể sử dụng bẫy màu vàng để thu hút trưởng thành và tiêu diệt nhằm đảm bảo sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các loại thuốc gốc vi sinh như: Vi-BT 16000 WP, Biocin 16 WP… hoặc thuốc gốc thảo mộc như Vineem… hoặc có thể sử dụng dầu khoáng như DC-TronPlus, SK EnSpray.
Khi sử dụng thuốc trên hoa thiên lý phải thật thận trọng, tuyệt đối không được sử dụng những loại thuốc có độ độc cao, lưu tồn lâu vì đến mùa, thiên lý gần như ra hoa liên tục (tập trung nhiều từ tháng 5 đến tháng 10), nên cần phải đảm bảo đúng thời gian cách ly mới được thu hoạch bông.
Vì điều kiện trồng thiên lý bắt buộc phải làm giàn, do đó môi trường dưới mặt giàn và mặt đất thiếu ánh sáng nên rất dễ gây bệnh.
Một số bệnh thường gặp là bệnh thối gốc, thối rễ có thể làm dây thiên lý bị chết; bệnh thối hoa làm hoa nâu đen, hư và rụng.
Bệnh thối gốc do nấm Rhizoctonia sp gây ra, triệu chứng nhận biết là phần sát gốc bị nâu đen, thắt lại và có lớp nấm trắng phủ bên ngoài, phòng trị bằng thuốc hóa học như Anvil 5SC, Bonanza 100SL… tưới gốc.
Bệnh thối rễ do nấm Phytophthora sp hoặc nấm Pythium sp gây ra, bệnh làm rễ bị hư thối, có thể gây héo chết cả dây thiên lý, phòng trị bằng tưới thuốc VibenC 50 BTN, Ridomil Gold, Mexyl-MZ 72 WP, Vimancoz 80 BTN hoặc có thể sử dụng chế phẩm sinh học Trico tưới vào đất (nếu không sử dụng thuốc hóa học). Nếu sử dụng chế phẩm Trico, nên kết hợp bón phân hữu cơ hoai mục.
Ngoài ra, khi bị rầy mềm gây hại sẽ kéo theo nấm bồ hóng phát triển làm cả dây, hoa bị đóng đen, giảm năng suất và chất lượng.
Bạn hãy thường xuyên cắt tỉa bớt các lá già và lá ở những chỗ dây leo chồng lên nhau rậm rạp cho mặt giàn thông thoáng, hạn chế rầy và sâu bệnh khác, đồng thời kích thích cây ra hoa nhiều hơn, không để gốc bị úng nước (vì thiên lý rất mẫn cảm với úng).
Rễ thiên lý rất cạn, nên hạn chế xới xáo nhiều dễ làm đứt rễ.
Một số món ăn có dùng bông thiên lý:
KS. NGUYỄN THỊ NGUYỆT
Cây hoa thiên lý có tên khoa học là Telosma cordata (Burm.f.) merr, họ Thiên lý (Asclepiadoceae). Thiên lý là loại cây dây leo, ra hoa thành chùm ở nách lá. Trước kia, thiên lý được trồng làm cây cảnh, che mát và thưởng thức mùi thơm. Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ hoa thiên lý ở các thành phố rất lớn vì chúng là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao,ăn rất ngon và có vị ngọt mà ít có loại rau nào sánh được. Vì thế, nhiều nông dân đã đưa cây thiên lý vào trồng theo hướng hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. |