Nương tựa nhau mà sống…

    Có những ngày, thức dậy sớm, bước ra vườn, thay vì ngắm từng bông hoa khoe sắc, tận hưởng hương thơm dìu dịu, nhiều người lại không thế. Họ không chăm chú nhìn vẻ đẹp của hoa mà tẩn mẩn, tỉ mỉ săm soi từng cành lá, thế mọc của cây, giá trị của nó mà ngao ngán.

    Cây gì mà lùn tịt, lá không xanh thắm, đã thế, nó còn dễ trồng, nhà nào cũng có, chứ nào phải thuộc loại quý hiếm gì. Nhìn cây xanh, chỉ thấy toàn khiếm khuyết của nó, liệu có phải là người đồng cảm với thiên nhiên?

    Tính cách hẹp hòi ấy, thiệt thòi cho cây? Không hề, cây vẫn nở hoa, chỉ tiếc người được thưởng thức lại bỏ qua cơ hội ấy. Bỏ qua dịp nương vào hương thơm của hoa để có thể thả hồn phiêu bồng, cảm thấy buổi sáng đầu ngày đang đẹp dần lên…

    Tương tự, có những người, lạ lùng thay, chẳng hề nhìn thấy ưu điểm của người khác. Họ nghĩ rằng, cương vị của mình, nghề nghiệp của mình mới “sáng giá”, những người còn lại chỉ thuộc hạng xoàng. Tâm lý ấy, còn phổ biến lắm.

    Sự chế giễu, xem thường thiên hạ cũng từ đó mà ra. Ông kỹ sư, cô nhà báo, chị bác sĩ, anh công chức, nhà doanh nghiệp… tự hào với ngành nghề của mình chẳng gì sai, thậm chí còn đáng hoan nghênh, nhưng sẽ không chuẩn mực nếu xem thường các ngành nghề “cơ bắp”, những người buôn gánh bán bưng… khác.

    Rồi đến khi gặp sự cố, họ mới vỡ lẽ ra rằng, không một ai có thể tồn tại một cách riêng lẻ, cả thẩy đều phải biết nương tựa vào nhau, hỗ trợ cho nhau.

    Tôi từng nghe kể câu chuyện lý thú, có thể khái quát được vấn đề đang bàn luận.

    Ngày kia, có một vị tiến sĩ đi qua sông, nhìn trời xanh, nước biếc nên có cảm hứng dạt dào. Anh ta nhìn điệu bộ nghèo hèn, quê mùa của bà cụ chèo đò, bèn cắc cớ đánh đố:

    – “Cụ có biết triết học, mỹ học là gì không?”.

    Mù chữ và thất học, tất nhiên cụ lắc đầu.

    Anh ta cười hô hố chế giễu:

    – “Thế là nửa cuộc đời của cụ đã bỏ đi”.

    Bà cụ vẫn lặng lẽ, rướn tay chèo.

    Giây lát sau, anh ta lại hỏi:

    – “Thế cụ có biết đọc chữ không?”.

    Vẫn cái lắc đầu thay cho câu trả lời.

    Trời, cái việc dễ nhàng nhất, ngay cả đứa trẻ lên mười cũng thông thạo nhưng bà cụ này lạ mù tịt. Mắc cười thiệt. Anh ta cất lên tiếng cười khoái trá như chưa bao giờ được cười. Hả hê lắm. Sung sướng lắm.

    Bà cụ vẫn lặng lẽ, rướn tay chèo.

    Giây lát sau, đột nhiên thuyền chòng chành như sắp lật, cả hai có nguy cơ ngã nhào xuống nước.

    Nhìn nước chảy xiết cuồn cuộn, trong giây phút hoảng loạn ấy, anh ta nghe bà cụ hỏi nhỏ:

    – “Ông có biết bơi không?”.

    Anh ta lắp bắp:

    – “Không”.

    Bà cụ trả lời tỉnh bơ:

    – “Thế, ông mất cả cuộc đời rồi đó”.

    Câu chuyện khép lại, nhưng gợi mở ra những suy nghĩ.

    Ông bà ta nói, “dụng nhân như dụng mộc”. Đánh giá người khác phải từ khả năng, sở trường của mỗi người, chứ không phải từ góc nhìn của cá nhân.

    Tuy nhiên, xin nhấn mạnh, cái sở trường đó phải nhằm phục vụ lợi ích chung cho cộng đồng, chứ không phải nhằm thỏa mãn sở thích riêng tư như một cách “lấy le”, nổi trội hơn người khác. Mà sự nổi trội ấy chẳng giúp ích gì cho ai.

    Ai đã từng đọc triết lý nhà Phật, chắc còn nhớ mẩu chuyện này:

    Vào một ngày cuối đông, Đức Phật đến bờ sông, trong lúc đợi đò, có một người bước đến gần rồi oang oang khoe khoang:

    – “Tôi đã dành cả đời để luyện phép thuật “độc nhất vô nhị”. Cả thế gian này, chỉ mỗi mình tôi làm được”.

    Ngải hỏi:

    – “Phép thuật gì, phải mất cả đời?”.

    Người này liến láu:

    – “Tôi là nhất vì có thể bay qua sông. Đố ai có thể làm được?”.

    Đức Phật độ lượng mỉm cười:

    – “Việc gì phải mất cả đời? Chỉ tốn vài hào, ta đã có thể qua sông được rồi”.

    Rõ ràng, cùng một sự việc, một “bài toán” nhưng có nhiều cách giải khác nhau miễn cuối cùng vẫn đi tới đích.

    Con người chúng ta tầm thường lắm, nhớ lại đi, có phải cái gì thuộc về mình cũng là nhất?

    Lúc sung sướng, hạnh phúc, dù không thốt ra thành lời nhưng ta ngầm kiêu hãnh, vênh mặt nghĩ rằng, mình đang là người may mắn nhất thiên hạ?

    Vì thế, không ít người tự cho mình cái quyền được chế giễu, cười cợt trên sự khốn khổ của người khác.

    “Ối dào, thằng cha đó bất tài vô tướng. Cái tướng đi lù khù thế kia, biết bao giờ mới ngóc đầu lên nổi”. Ơ hay, người đó có xin xỏ, than phiền gì đâu mà trong đấu ta lại có ý nghĩ hẹp hòi ấy?

    Dù không nói ra, chỉ nghĩ trong đầu, nói theo đạo Phật, ta đã gieo “ác nghiệp” rồi đó. Phải là người từng trải, lịch lãm lắm, thi sĩ La Fontaine mới rút ra được điều rất hiển nhiên: “Đừng nên nhạo báng những kẻ khốn khổ, vì ai chắc rằng mình luôn luôn được vui sướng?”.

    Ngược lại, khi đau khổ, phiền muộn cũng đừng nghĩ rằng mình mới là kẻ bất hạnh nhất trên đời. Vì thế, tự cho mình cái quyền được mè nheo, làm mình làm mẫy, hạch xách, đòi hỏi này nọ mà người khác phải chìu theo.

    Ngày xưa ở làng nọ, có người đàn bà mất con. Đứa con yêu quý nhất qua đời vì bệnh. Ban đầu, bà con chòm xóm đến chia buồn, an ủi nhưng sau đó, mọi người xa lánh dần vì bà luôn nói rằng mình là người đau khổ nhất trong làng. Vì thế, bà phải được ưu tiên miễn việc đóng góp theo nghĩa vụ lâu nay, không những thế, dân làng phải có trách nhiệm chu cấp khi bà túng thiếu.

    Trước yêu cầu quá quắt này, già làng đồng ý và bảo:

    – “Tuy nhiên, bà hãy đi khắp làng hỏi xin một nắm thóc đem về cho tôi. Với điều kiện, bà xin nhà người nào chưa bao giờ có nỗi buồn, chưa bao giờ có người thân đã qua đời”.

    Cuối cùng, bà đi về với hai bàn tay không. Từ đó, bà “ngộ” ra và nói với già làng:

    – “Thưa ngài, tôi thật là ích kỷ. Đau buồn là chung cho tất cả mọi người, không trừ một ai”.

    Buồn vui, sướng khổ, hạnh phúc – những gam màu, những sắc thái tình cảm của mỗi người không khác gì nhau. Nó chỉ khác qua cái nhìn, cảm nhận của từng người.

    Ai cũng như ai thôi. Nương tựa nhau mà sống, điều này ai cũng nhận ra nó đơn giản lắm. Không gì phải bàn cãi. Tất nhiên phải thế.

    Khi nghe lại ca từ này của Trịnh Công Sơn, tôi tin nhiều người tâm đắc: 

    “Ngoài phố mùa đông
    Đôi môi em là đốm lửa hồn
    Ru đời đi nhé
    Cho ta nương nhờ lúc thở than”.

    Ngay cả thở than là chuyện rất đỗi riêng tư, con người ta cũng cần có nhau. Cần một lời nói an ủi, cần một bàn tay nắm lấy một bàn tay lúc cô độc, lẻ loi chứ huống gì trong những cảnh ngộ khác trong chuỗi ngày dài đang sống…

    LÊ MINH QUỐC

    Recommended For You