Qua những mùa sim tím

Một chiều tháng 6, khi đi ngang qua chợ, tôi gặp một chị đang bán mủng sim chín tím mọng, căng tròn. Bỗng dưng những kỷ niệm từ thuở chăn bò, hái sim, hái móc trên đồi lại ập về. Bỏ tiền mua mấy lon sim, trong đầu tôi như một cuốn phim tua nhanh, rồi những ca từ dâng lên trong lòng: “Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ” (Thu hát cho người- Vũ Đức Sao Biển).

Kể cũng lạ, đã mấy chục năm xa quê, là cư dân ở chốn thị thành, nhưng những mùa sim tím tôi vẫn không nguôi trong lòng. Nhớ nhất là vào những mùa sim chín, khi chăn bò trên đồi, lũ trẻ chúng tôi chia nhau đi nhiều ngả để hái sim. Những quả sim tím đỏ, tím sậm căng tròn lấp ló trong chùm lá, lẫn trong những chùm quả xanh, cuốn hút lũ trẻ chúng tôi như bị bỏ bùa mê.

Mà không mê sao được, ngày trước kinh tế khó khăn, cơm ăn không đủ no, cha mẹ ở nông thôn lấy tiền đâu để mua trái cây cho con ăn thêm như bây giờ, thì những quả sim chín tím mọng nước, ngọt lịm trên đồi hoang luôn thu hút ánh nhìn, bước chân lũ trẻ. Mùa sim chín, cặp mắt lũ trẻ dường như tinh anh hơn. Và những quả sim cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng quan trọng cho lũ trẻ gầy còm.

Thi nhau hái quả sim, rồi chúng tôi ngồi xúm lại lặt bỏ tai sim, để lại quả sim căng tròn. Quả sim tím mọng, sậm màu, ăn ngọt lịm. Ăn sim, miệng đứa nào đưa nấy tím rịm. Rồi cả lũ nhìn miệng nhau, chọc nhau, cười vang cả đồi.

Không như một số trái cây rừng khác, ăn nhiều thường thấy ngán, riêng sim, lũ trẻ chúng tôi chưa bao giờ có cảm giác đó.

Trong mùa sim, thích thú nhất là những ngày sau mưa, sim trên đồi thường đồng loạt chín. Những hôm sim chín nhiều, chúng tôi vừa hái quả ăn, vừa bỏ quả sim căng đầy các túi quần, túi áo. Quả nhiều, chúng tôi đem về cho em, cho chị, cho cả nhà cùng ăn.

Mùa sim, chúng tôi hái sim và hay chọc bạn, nhất là các bạn gái: “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Có bạn gái xấu hổ, đỏ mặt, giận dỗi, đuổi bắt, mắng yêu. Rồi chúng tôi lại mau chóng làm lành với nhau như cũ.

Tuổi thơ qua, đến tuổi dậy thì, mùa sim chín không còn hấp dẫn như trước. Ở lứa tuổi mộng mơ, chúng tôi thường hay nghĩ về tình yêu, về những ước nguyện đẹp trong đời. Màu tím hoa sim trên đồi lại khiến lòng trào lên những thổn thức.

Trên những đồi sim, khi đi chăn bò, tôi thường có thói quen đọc sách. Những lúc đọc mỏi mắt, nhìn đồi sim tím biếc, tôi thường nghêu ngao hát và luyến láy lời thơ:

“Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt”,

“Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết”
(thơ Hữu Loan).

Sau những luyến láy, tôi liếc mắt nhìn vào cặp mắt đen hạt huyền của bạn nữ cùng nhau chăn bò, thấy bạn không ít lần đỏ mặt.

Thời gian trôi, chúng tôi lớn lên, mỗi người mỗi ngả. Có bạn bây giờ định cư ở Mỹ. Thi thoảng gặp lại một số bạn cùng thời, chúng tôi thường ôn lại những ngày chăn bò trên những đồi sim, hàn huyên nhiều về những mùa sim chín, mùa hoa sim tím, về cặp mắt đen màu hạt huyền và đôi má ửng hồng lúng liếng đồng tiền bạn nữ thuở thiếu thời.

Thời gian trôi, những đồi sim tím đẹp, đáng yêu ở quê ngày nào sau đó được người dân khai phá để lấy đất trồng mì, rồi trồng keo, bạch đàn. Lớp trẻ sau này chỉ nghe tên những đồi sim qua ký ức của lớp người lớn tuổi, qua những câu thơ, câu ca xưa. Cây sim trên đồi quê không còn nữa, nếu có còn chỉ dọc theo các bờ vườn, bờ động.

*Hoa sim nở tím đường vào rừng ở xã Hiếu, huyện Kon Plông. Ảnh: VN

Nhiều năm qua, trong những chuyến công tác về huyện Kon Plông, tôi thường hay để ý đến những mùa sim nở hoa, sim chín trên các dãy đồi như để ôn lại kỷ niệm một thời.

Cây sim ở huyện Kon Plông nói riêng thường ra hoa nhiều vào các tháng 3, 4, 5, quả chín nhiều vào tháng 6, 7, 8. Vào mùa sim chín, người dân ở xã Hiếu, Măng Cành, Pờ Ê, thị trấn Măng Đen thường đến các đồi, rừng sim hái quả bán cho Công ty MTV Sim Thiên Sơn có thể kiếm được 200-300 nghìn đồng/người/ngày. Từ sản vật tự nhiên của núi rừng, quả sim giờ đây trở thành đặc sản, thành nguyên liệu cho các nhà máy chế biến rượu vang sim.

Trong những năm gần đây, rượu vang sim Măng Đen, huyện Kon Plông là một trong những thương hiệu có tiếng. Rượu vang sim ở Măng Đen được sản xuất từ những trái sim rừng theo công nghệ men vi sinh của Pháp thơm ngon, bổ dưỡng. Và rượu vang sim thường được người dân mua về dùng trong những ngày lễ, ngày tết, đãi khách quý hay làm quà tặng người thân.

Ngoài làm rượu vang sim, quả sim rừng còn được dùng chế biến những sản phẩm đặc sản siro sim, nước cốt sim, kẹo sim có giá trị.

Qua những mùa sim tím, nghĩ về cây sim, lòng lại nao nao khi những đồi sim ngày càng bị thu hẹp dần theo thời gian. Thật đáng tiếc thay!

Văn Nhiên

  • Hình bìa: Cây sim mọc tự nhiên ở bờ vườn, bờ động. Ảnh: VN

Nguồn: Báo Kon Tum điện tử

Recommended For You

Để lại một bình luận