Quyết định 655 – Tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thuỷ sản TP.HCMphát triển

    Thủy sản là một trong 3 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, đây là lĩnh vực nông nghiệp được thành phố chú trọng đầu tư phát triển. Do đó, TP.HCM đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhằm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào ngành thuỷ sản.

    Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, kết quả trong 4 tháng đầu năm 2021 tổng sản lượng thủy sản của Thành phố ước đạt 17.713 tấn (tăng 0,8% so cùng kỳ); trong đó, sản lượng nuôi 10.113 tấn (giảm 1,1% so cùng kỳ) và sản lượng khai thác 7.600 tấn (tăng 3,5% so cùng kỳ). Sản lượng cá cảnh ước đạt 54,8 triệu con (giảm 17,3% so cùng kỳ), sản lượng xuất khẩu đạt 5,88 triệu con (giảm 1% so cùng kỳ) và kim ngạch xuất khẩu đạt 6,85 triệu USD (giảm 0,4% so cùng kỳ).

    Hiện nay, nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở huyện Cần Giờ và một số huyện khác như Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp, HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố đã nhận được hỗ trợ từ chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Bao gồm ưu đãi về vốn vay, đầu tư khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất và hỗ trợ bà con về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao. Thành phố đã đầu tư xây dựng Trung tâm thủy sản hiện đại nhất Việt Nam tại Bình Chánh, Cần Giờ. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.500 tỷ đồng, bao gồm: nhà máy chế biến, kho lạnh, cảng cá, khu dịch vụ hậu cần.

    Trên địa bàn thành phố đã có nhiều HTX nuôi trồng thuỷ sản hoạt động tốt với những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, HTX Thuận Yến (huyện Cần Giờ) đang áp dụng quy trình mô hình nuôi tôm công nghệ cao Biofloc và có hợp đồng liên kết tiêu thụ ổn định. HTX Thuận Yến là đầu mối kết nối để hỗ trợ, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên của HTX, hỗ trợ, giúp thành viên tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn. Đứng ra lập kế hoạch sản xuất cho từng thành viên và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho các thành viên sản xuất; giám sát, kiểm tra định kỳ để đảm bảo về số lượng, chất lượng hàng hóa đưa ra người tiêu dùng. Hỗ trợ các thành viên từng bước thích ứng với mô hình sản xuất công nghệ cao, phù hợp với xu hướng phát triển của nông nghiệp đô thị.

    Không chỉ vậy, HTX Thuận Yến còn ưu tiên vay vốn tín dụng cho thành viên và các hộ thành viên từ nguồn vốn ưu đãi, HTX sẽ làm đại diện vay vốn và phân phối lại cho các thành viên theo nhu cầu, điều kiện cho phép. Nhờ đầu tư vào sản xuất, sản lượng tôm bình quân 5,1 tấn/1.000 m2, sản lượng sản xuất cá dứa bình quân 12,6 tấn/năm. Hiện nay, để gia tăng giá trị sản phẩm, HTX đang đầu tư xây dựng xưởng chế biến và nhà phơi cá dứa một nắng.

    Tương tự, nhờ được hỗ trợ từ chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố, HTX Hiệp Thành (huyện Nhà Bè) đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm trong ao đất sang nuôi công nghệ cao siêu thâm canh hai giai đoạn cho lợi nhuận tăng gấp từ 3 – 5 lần. Đồng thời, HTX cũng tổ chức thực hiện được các khâu sơ chế biến, đóng gói các sản phẩm tôm thành tôm một nắng, tôm khô. Hiện nay, HTX đã được chứng nhận VietGAP với diện tích 13,7 ha với 28 ao nuôi, sản lượng đạt khoảng 550 tấn/năm.

    Qua đó cho thấy, Quyết định 655 – chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thuỷ sản Thành phố phát triển. Có vốn vay ưu đãi, người dân đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ – kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Nhờ đó, góp phần tạo ra những giá trị vượt trội trong sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân các huyện ngoại thành và gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thành viên HTX.

    HOÀI AN

    Hình chụp mô hình nuôi tôm hai giai đoạn tại HTX Hiệp Thành, huyện Nhà Bè.

    Recommended For You