Ra mắt Sổ tay chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến, phân phối thực phẩm

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam ra mắt Sổ tay chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm.

Sổ tay cung cấp thông tin tổng quan, nâng cao nhận thức và đưa ra các chỉ dẫn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm. Từ đó, đưa ra lộ trình phù hợp áp dụng công nghệ theo nhiều cấp độ khác nhau, gắn liền với mục tiêu sản xuất, kinh doanh và nguồn lực hiện có của doanh nghiệp.

Trong cuốn sổ tay, các chuyên gia của Chương trình đã phân tích một số khó khăn và đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm. Đồng thời, chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tế và lộ trình chuyển đổi số phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm tại Việt Nam.

Theo báo cáo năm 2022 của EMIS – tổ chức quốc tế chuyên về nghiên cứu và dữ liệu, thị trường thực phẩm chế biến toàn cầu được ước tính sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 3,8% từ năm 2023 đến năm 2028.

Xu hướng tăng trưởng tương tự cũng được nhìn thấy tại thị trường Việt Nam khi Chính phủ coi đây là một trong những ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển nhằm nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến trong nước.

Bên cạnh đó, theo Source of Asian, lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm được ghi nhận có những bước tiến đáng kể trong việc áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh với khoảng 85% doanh nghiệp sản xuất đã tiếp cận với công nghệ ở các mức khác nhau.

Các chuyên gia đề xuất một số giải pháp chuyển đổi số được áp dụng trong chuỗi giá trị ngành chế biến và phân phối thực phẩm, gồm các giải pháp về thu thập, phân tích dữ liệu; truy xuất nguồn gốc; quản lý vận tải; quản lý kho và hàng tồn kho; quản lý chất lượng sản phẩm; quản lý bán hàng đa kênh.

Dựa vào đặc thù của ngành chế biến và phân phối thực phẩm, cuốn sổ tay giới thiệu các giải pháp công nghệ được áp dụng phù hợp vào các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi họp báo công bố Sổ tay chuyển đổi số.

Việc áp dụng các giải pháp công nghệ có thể tiến hành tuần tự hoặc song song, tùy vào tiềm lực của doanh nghiệp. Hai giải pháp mà doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai sớm là giải pháp bán hàng đa kênh và truy xuất nguồn gốc để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi.

Cuốn sổ tay cũng đưa ra gợi ý về việc xây dựng lộ trình triển khai chuyển đối số của doanh nghiệp ngành chế biến và phân phối thực phẩm trong tiêu thụ sản phẩm thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trong đó, việc xây dựng lộ trình phụ thuộc vào mức độ ưu tiên của doanh nghiệp đối với các yếu tố về mục tiêu và tính chất của hoạt động kinh doanh. Các yếu tố mà doanh nghiệp cần cân nhắc khi xây dựng kế hoạch chuyển đổi số gồm: tuân thủ quy định của nhà nước và quy định, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; mở rộng thị trường, thu hút khách hàng và tối ưu chi phí.

Đặc biệt, các chuyên gia cũng lưu ý với doanh nghiệp khi chuyển đổi số cần quan tâm đến các quy định khắt khe từ các thị trường lớn trên thế giới liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Tại Việt Nam, ngày 28/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030, đòi hỏi doanh nghiệp trong thời gian tới phải cân nhắc áp dụng cả các giải pháp công nghệ hỗ trợ việc quản lý, tuân thủ các yêu cầu này.

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Phan Viết Hoàn – Tổng Giám đốc Freshdi đánh giá, cuốn sổ tay chứa đựng nhiều kiến thức cần thiết và hữu ích để doanh nghiệp hiểu được quá trình chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Sổ tay đem lại góc nhìn rất toàn diện, giúp chúng tôi hiểu thêm về hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm, từ đó để chúng tôi đồng hành, phát triển những giải pháp chuyển đổi số tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc quản lý bán hàng và truyền thông câu chuyện sản phẩm cho các sản phẩm nông sản Việt Nam”, ông Hoàn cho hay.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện.

Chương trình hướng tới mục tiêu đến năm 2025: (i) 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; (ii) Tối thiểu 100 nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; (iii) Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; (iv) Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
Nguồn: Báo Nhân Dân | Văn Toản

Recommended For You