Sài Gòn 7.000 đêm & thương… rồi nhớ

Đó là tựa đề cuốn tạp văn của hai tác giả Hoài Hương và Nguyễn Hoàng Trung Hiếu khắc họa về Thành phố mang tên Bác. Cuốn sách ra mắt trong dịp cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng kỷ niệm 45 năm chiến thắng 30/4/1975 lịch sử.

Tiến sỹ – nhà văn Hà Thanh Vân, người đọc đầu tiên bản thảo của cuốn tạp văn “Sài Gòn 7.000 đêm & thương… rồi nhớ”, cho rằng: bà đã bâng khuâng, đã xao xuyến khi đọc bản thảo của cuốn sách.

Hoài Hương và Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, hai “cây viết” vốn dĩ có hai lối viết khác nhau. Nếu Hoài Hương tinh tế, lãng mạn, sâu lắng trong từng ngôn từ, thì Trung Hiếu lại dung dị, mộc mạc, đơn sơ trong từng câu chữ.

Nhưng họ có một điểm chung, đó là những dòng chữ viết của họ đều lóe lên ánh sáng của yêu thương và trí tuệ.

Mặc dù Hoài Hương sinh ra ở Hà Nội, còn Trung Hiếu sinh ra ở Đồng Nai, nhưng tuổi thanh xuân của họ thì trên mảnh đất Sài Gòn.

Với họ, Sài Gòn là mảnh đất của tình yêu thương và nỗi nhớ, bởi nơi ấy đã dang rộng vòng tay che chở, bảo bọc họ (như đã làm đối với bao người), mang đến cho họ sự sống và cả tình yêu.

“Nhiều người kỳ vọng rằng, Sài Gòn sôi động sẽ giúp tạo ra những con người năng động, mạnh mẽ… và như thế, họ đến, ngồi lì ra đó, chờ biến đổi.

Nhưng nếu phải nói một điều gì đó, với những người đang chuẩn bị đến với Sài Gòn, thì tôi phải minh định rằng, chính những người năng động, mạnh mẽ mới có thể tạo ra một Sài Gòn sôi động.

Và Sài Gòn, sôi động như hôm nay, nhờ vào những người đã đến và mặc cho vùng đất này chiếc áo sôi động”, Trung Hiếu viết trong tản văn “Sài Gòn, thoắt 7.000 đêm”.

Có lẽ Sài Gòn thương sẽ để lại ấn tượng trong lòng người đọc những hình ảnh mộc mạc của đời thường: cụ bà bán rau dù tuổi ngoài 70, cụ ông chờ cụ bà để rồi nắm bàn tay gân guốc của bà đưa về gác trọ (trong tản văn “Ngoại); cô Mộng bán bưởi, anh Tài xe ôm, ông Hai vé số (trong tản văn Chợ Tết chung cư); thằng Mít sửa xe máy (trong tản văn “Nghề” mới)…

Dễ thấy, họ là những con người có thể nói là thuộc tầng lớp bình dân nhất của xã hội, làm nghề tự do, công việc vất vả, nhưng từ sâu thẳm trong lòng họ, vẫn toát lên vẻ đẹp của sự chân tình, lương thiện. Ở họ, tình người được họ giấu đi sau những bỗ bã đời thường, sau những lo lắng mưu sinh, nhưng khi cần thiết vẫn tự hiển hiện ra, hồn hậu, ấm áp.

Ngoài viết văn, Trung Hiếu còn là một luật sư. Nhưng dường như anh bỏ lại sự sắc sảo, lý lẽ của luật sư sang một bên để hướng đến những gì là đơn giản nhất, chân chất nhất, bình thường nhất.

Anh viết nhiều về những con người đời thường bận rộn kiếm sống, viết về những con đường, miền đất ngoại thành của Sài Gòn, nơi tập trung đông đúc dân nhập cư. Bởi, dù đã là công dân Sài Gòn, nhưng Trung Hiếu vẫn không quên nơi mình sinh ra và lớn lên, mảnh đất Đồng Nai, mảnh đất của những ký ức tuổi thơ, mảnh đất của quê hương. Mảnh đất quê hương ấy phảng phất mùi thuốc rê trong tâm tưởng (Mùa thuốc rê), trái cây trong vườn, rau trong luống…

“Sài Gòn đối với những người nhập cư giống như mẹ nuôi, còn quê nhà với họ là mẹ đẻ. Một bên có công nuôi dưỡng để họ trưởng thành, một bên có công sinh ra, cho sự sống. May mắn cho những ai có được cả hai người mẹ ấy trong đời.

Nhà văn Nguyễn Hoàng Trung Hiếu là một trong những người may mắn ấy và anh đã luôn nghĩ về hai người mẹ với tình cảm yêu thương và biết ơn chân thành, được thể hiện qua từng câu chữ”, lời của tiến sỹ – nhà văn Hà Thanh Vân trong phần mở đầu của cuốn sách.

Nếu Trung Hiếu bằng những câu chữ của mình đã tạo dựng nên một chân dung “Sài Gòn thương” của thời hiện tại và “quê nhà nhớ” trong tâm thức, thì Hoài Hương lại thương và nhớ Sài Gòn theo một cách riêng, nữ tính và tỏa hương.

Sài Gòn trước hết với Hoài Hương là một tình yêu. Tình yêu ấy giúp chị nhìn ra được những nét thi vị của Sài Gòn. Đó là Sài Gòn cũng có mùa đông, cho dù mùa đông ấy chỉ thoáng qua trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

“Cây phố như bị một cây cọ nghịch ngợm vung vẩy hắt những đốm màu vàng lẫn vào màu xanh ngắt. Thi thoảng theo làn gió, vài chiếc lá bay xuống, nửa vàng, nửa xanh, ngơ ngác hè phố.

Và những cơn mưa rắc bụi nước mát lạnh, như có như không, chưa thành cơn mưa phùn, chỉ đủ ướt ít tóc mai, chẳng đủ ướt phố, đến thật mau, đi cũng thật mau. Mọi người ngỡ ngàng và mỉm cười. Mùa Đông có lẽ là như thế”, một phần trong tản văn “Anh có hay mùa đông Sài Gòn” trong số hàng chục bài mà Hoài Hương đã góp trong cuốn sách.

Có thể thấy, Sài Gòn là mảnh đất có nhiều nét văn hóa hội tụ, là nơi mà mọi miền văn hóa đều ghi dấu ở đây. Nhưng Sài Gòn cũng có những đặc sản của riêng mình, từ đây truyền đi khắp nước, cho dù đó chỉ là một thứ đặc sản đơn sơ, bình dị nhất như trà đá Sài Gòn, hay lộng lẫy rực rỡ nhất như đường hoa Nguyễn Huệ ngày Tết.

Với Sài Gòn, thành phố thương và nhớ còn là chưa đủ. Sài Gòn còn là thành phố của văn hóa và trí tuệ. Bằng hai giọng văn riêng biệt, dung dị đi với tài hoa, bằng hai phong cách ngôn từ, giản đơn đi với tinh tế, nhưng cùng gặp nhau ở tình yêu đối với Sài Gòn, Hoài Hương và Trung Hiếu đã cùng nhau viết nên tác phẩm “Sài Gòn 7.000 đêm & thương… rồi nhớ”.

Tác phẩm này như là để viết cho những công dân Sài Gòn, bao gồm cả những người sinh ra hay nhiều thế hệ ở Sài Gòn và cả những người được bà mẹ nuôi Sài Gòn nuôi khôn lớn và bao bọc yêu thương.

“Sài Gòn dù đi xa hay ở gần sẽ còn lại mãi trong trái tim, trong tâm tưởng của chúng ta. Tôi nghĩ, đó cũng là điều mà hai nhà văn Hoài Hương và Nguyễn Hoàng Trung Hiếu muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình”, tiến sỹ – nhà văn Hà Thanh Vân, nhận định.

Sách thấy có bán tại Cửa hàng sách Văn hóa – Văn nghệ (88 – 90 Ký Con, Q.1, TP.HCM – ĐT: 0903 033 237), quầy M3 đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1 – ĐT: 0937 662 811), với giá bìa 65.000 đồng.

ĐƯỜNG TIỆM CẬN

Recommended For You