“Sáng mồng Hai tháng Chín” – Bài thơ ký ức của nhiều thế hệ Việt

Có lẽ ai thuộc thế hệ 7X, 8X cũng đều đã được nghe và học qua bài thơ Sáng mồng Hai tháng Chín và mỗi dịp Quốc Khánh về.

Bài thơ: Sáng mồng Hai tháng Chín

Hôm nay sáng mồng Hai tháng Chín
Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình

Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!
Người đứng trên đài lặng phút giây
Trông đàn con đó vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ngời đôi mắt

Độc lập bây giờ mới thấy đây!
Người đọc tuyên ngôn…. Rồi chợt hỏi:
“Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”
Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi

Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!
Cả muôn triệu một lời đáp: “Có!”
Như Trường Sơn say gió biển Đông
Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ

Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông…”

(Trích thơ “Tố Hữu” )

Có lẽ ai thuộc thế hệ 7X, 8X cũng đều đã được nghe và học qua bài thơ này và mỗi dịp Quốc Khánh về.

Bài thơ được in trong Sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học những năm trước đây và được đặt tiêu đề là “Sáng mồng Hai tháng Chín”, tuy nhiên đây là một trích đoạn trong bài thơ “Theo dấu chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu.

“Theo dấu chân Bác” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Tố Hữu, được ông viết vào năm 1970, trong dịp ngày sinh lần thứ 80 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoạn thơ gợi nhớ không khí thiêng liêng của lễ Tuyên ngôn độc lập, tại Quảng trường Ba Đình năm 1945.

Gần 80 năm đã qua đi nhưng giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Ngày 2/9/1945 đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự kiện trọng đại về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) với mục tiêu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Hôm nay, nhân dịp chào đón ngày Quốc Khánh 2/9, trên khắp các con đường, tuyến phố của Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây không chỉ là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, sự kiên cường và lòng yêu nước bất diệt của nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Nguồn: VTV.vn

Recommended For You

Để lại một bình luận