Cách đây vài năm, tôi có cơ hội tham gia một diễn đàn về phát triển bền vững. Thời điểm đó, các hoạt động về lối sống xanh và mục tiêu phát triển bền vững chưa nhận được nhiều sự quan tâm như bây giờ. Tôi đến diễn đàn với con số 0 về kiến thức và ra về với khát khao cháy bỏng thay đổi chính mình thành một người sống bền vững. Vậy mà đến bây giờ, tôi chỉ có thể hổ thẹn nói rằng mình còn chưa đi đến một nửa hành trình ấy.
Tôi nghĩ bản thân không phải trường hợp duy nhất lâm vào tình trạng trên, có nhận thức nhưng loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu. Cái mà cả họ lẫn tôi (từng) thiếu chính là một lời hướng dẫn.
May mắn thay, tôi đã tìm được sự hướng dẫn nhờ buổi chia sẻ của cô Madeleine Recknagel (người Đức), giảng viên Trường Bangkok University và sở hữu blog The Sustainable Self (https:// thesustainableselfblog.wordpress.com). Cuộc gặp gỡ đã đánh thức những bài học ngủ quên bấy lâu của tôi. Vì thế tôi muốn chia sẻ lại những hướng dẫn cơ bản này để các bạn có thêm động lực thực hiện lối sống bền vững. Đây chỉ là những điều đơn giản nhất, bạn phải tự học hỏi thêm thì mới sống bền vững thành công. Bởi vì một phương pháp không thể phù hợp với tất cả được.
Thật ra, để sống xanh không hề tốn kém như chúng ta lầm tưởng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đòi hỏi sự kiên nhẫn vì bạn không thể thay đổi toàn bộ thói quen của 10, 20 năm trong một đêm. Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, từng bước một mà thôi.
Đầu tiên, bạn thử lập bảng kê xem mình cần thay đổi thói quen, vật dụng không có lợi cho môi trường. Chẳng hạn, đừng sử dụng túi nylon khi không cần thiết. Bạn đâu cần bỏ một trái chuối đã bọc màng bọc thực phẩm vào một cái túi nylon nữa! Hãy mang theo túi vải, hộp đựng thực phẩm bằng inox, bộ muỗng nĩa, ly khi đi mua sắm hoặc du lịch. Người bán hàng sẽ tự hiểu rằng bạn cố gắng không dùng các vật dụng bằng nhựa.
Tôi nghĩ rằng bạn sẽ tiến một bước lớn trong quá trình sống xanh khi hoàn toàn không cần dùng túi nylon trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhân tiện, bạn không cần ống hút vẫn thưởng thức đồ uống được mà nhỉ? Vậy xin thêm cái ống hút nhựa để làm gì? Chẳng khác nào góp phần làm ô nhiễm môi trường.
Ở phòng tắm, bạn có thể sử dụng các vật liệu thay thế để tự làm dầu gội, nước tẩy trang, bột giặt, kem đánh răng… Tôi gợi ý dùng soapnuts (hạt tự nhiên) với ba công dụng trong một: bột giặt, nước rửa chén và dầu gội. Soapnuts sẽ giúp bạn tiết kiệm, thay vì phải mua ba sản phẩm khác nhau mà chỉ toàn là hóa chất. Tương tự với nhà bếp, bạn có thể tự làm giấm, và kết hợp với các nguyên liệu khác để làm nước tẩy rửa (xem thêm tại: https://theoilcleaningmethod.com). Tìm công thức ở đâu? Bạn có thể tìm trên Pinterest – trang chia sẻ hình ảnh, hoặc vào blog của cô Madeleine.
Tuy nhiên, luôn ghi nhớ rằng bạn không cần ngay lập tức vứt bỏ mọi thứ hiện tại để chuyển sang dùng sản phẩm tự nhiên. Đôi khi nó còn phản tác dụng. Bạn cần thời gian để chấp nhận và thích nghi với thói quen mới. Bạn cũng cần nghiên cứu thêm để đảm bảo rằng sản phẩm thay thế sẽ phù hợp với bản thân. Tôi xin nhắc lại, thay đổi từng bước một để sống bền vững.
Chúng ta thường có suy nghĩ sai lầm rằng khoa học phương Tây sẽ giải quyết hết thảy vấn đề ô nhiễm, nhưng không hẳn thế. Cái chúng ta cần không chỉ là khoa học công nghệ mà chính là ý thức con người. Hãy thử nhìn vào những sản phẩm từ tự nhiên tại địa phương như xà phòng, dầu gội… bạn sẽ nhận ra chúng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn ô nhiễm và phát triển lối sống bền vững. Chúng chính là giải pháp trong quá trình cứu lấy hành tinh này.
Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại lời cô Madeleine một chút. Xin phép hỏi các bạn, nếu chúng ta không cần quan tâm về vấn đề ô nhiễm từ rác thải nhựa thì ai mới cần? Đừng trông mong tình nguyện viên nước ngoài sẽ giúp đỡ nữa vì họ sẽ sớm rời khỏi. Và một khi môi trường ô nhiễm thì không du khách nào ngu ngốc bỏ tiền ra để nằm phơi nắng trên bãi rác. Đất nước sẽ chết dần. Nếu bạn vẫn chưa bị tác động, chưa tin tưởng mức độ ô nhiễm của Trái đất thì mời xem bộ phim tài liệu Plastic Ocean (2016) của đạo diễn Craig Leeson.
Trong khi chia sẻ với các bạn, tôi vẫn đang cố gắng thực hiện quá trình sống xanh của mình từ việc hạn chế dùng nylon nhất có thể. Thất bại của hai năm trước khiến tôi có thêm động lực để chuyển đổi bản thân. Không ai có thể thành công ngay lần đầu tiên, điều quan trọng là tôi đã học được gì từ thất bại.