Tắc kiểng – nghề chơi cũng lắm công phu

    Cây tắc (tên khác dùng ở miền Bắc là cây quất) là một loại cây có múi, cho trái nhỏ làm mứt, nước giải khát. Trái, rễ, lá tắc còn có công dụng trong thuốc nam. Lâu nay, tắc tạo bonsai kiểng được nhiều người ưa chuộng.

    Nhiều người thích cây tắc nhỏ nhất để chưng trên bàn trà. Một cây tắc thế (gốc và thân cây, phân bố cành, tán lá, số trái và cách bố trí trái) càng “độc” càng có giá.  

    Về yêu cầu kỹ thuật, cho dù dùng một cây tạo thế hay dùng hàng chục cây để tạo hình cho một chậu cảnh; cho dù trồng một vài cây “tự chơi” hay trồng vườn cả trăm chậu chờ chợ hoa quả xuân thương mại thì cách chăm sóc tắc cảnh vẫn khá giống nhau.

    Để đạt được yêu cầu tắc cảnh trái “độc”, đẹp, các nghệ nhân đã không ngừng học hỏi, cập nhật kinh nghiệm, đầu tư đủ nguyên liệu, vật tư cần thiết, để tâm vào công việc, trong thực hành thì hết sức uyển chuyển đáp ứng tình trạng của thời tiết, sức khỏe của cây. Để thành công, ngoài “bàn tay vàng”, những điều kiện cần cung ứng cho việc tạo cây quất cảnh cần được đáp ứng. 

    Vườn ươm tạo tắc kiểng tốt nhất phải là đất thịt pha cát, cao ráo, hơi chua cũng được. Hệ thống cấp thoát nước tưới, không lưu tồn các loài nấm hại, sâu bệnh. Vườn ươm tắc cảnh cần có lưới che bớt ánh sáng mặt trời 75%, 50%, 25%; trong thực hành dùng uyển chuyển hai loại lưới 50%, 25% là đủ. Cuối quá trình ươm khoảng một tháng lưới che mát sẽ được mở, cây tắc sẽ được tiếp cận 100% ánh sáng để hoàn thiện tác phẩm trước khi ra chợ tết.

    Vào tháng tư, vườn ươm tạo tắc kiểng tiếp nhận những cây tắc nguyên liệu. Cây trồng trong chậu được dỡ ra, ngay cả những cây tắc đang trồng ở vườn ươm cũng phải bứng lên để kiểm tra bộ rễ, cần thiết phải xoi, cắt bỏ những rễ mục, rễ già, chặn bớt những rễ quá dài. Xịt thuốc chống nấm, kích thích tạo rễ sau khi thực hiện tác nghiệp đối với bộ phận dưới mặt đất của cây. Soát xét cắt bỏ các cành khô, cành vượt còn non (sẽ không ra hoa), cắt bớt cành bối, kết hợp tạo tán sơ bộ để sau đó trồng lại. 

    Mô trồng tắc được đắp theo dãy, mô cách mô 1,5 – 2 m, cao 0,5 m, đường kính 1 m, tùy gốc nguyên liệu to hay nhỏ mà đào hố ở tâm, sâu 30 – 40 cm. Sau khi bón lót lân, phân hữu cơ (trùn quế, humic, phân vô cơ (DAP hay NPK), vôi (khử trùng đất) trộn đều sẽ đặt bầu cây vào, lấp đất, nèn chặt gốc. Dùng cây, dây chằng chống đỡ cho cây không bị lay gốc, tưới nước, giữ ẩm. Tắc ưa tán sắc, cành cội khẳng khiu nên cần sự chăm chút kỹ hơn, nhất là lúc bứng gốc. Việc che mát 75% ánh nắng những ngày đầu, che 50% giai đoạn tiếp theo, che 25% giai đoạn kế tiếp (tùy thuộc tiết trời thời điểm mà gia giảm), mỗi kỳ 1,5 – 2 tháng giúp cây phục hồi và phát triển tươi tốt. Việc này gọi là sang ngôi, việc quan trọng của tắc cảnh nhằm làm cho toàn bộ cây tham gia ươm tạo cảnh có một đời sống hoàn toàn mới, cùng với chế độ chăm sóc làm cho việc trổ bông, ra trái, chín đồng loạt, đúng dịp chợ xuân đón nhận giá cao. Tắc ưa ẩm, tưới mỗi ngày 1 – 2 lần, tưới nước hòa phân bón giúp cây hấp thu phân nhanh.

    Sau khi sang ngôi 20 ngày tiến hành tưới phân giàu đạm để tạo bộ lá cho cây. Khoảng mươi ngày, nửa tháng sau tưới phân, cây đồng loạt đâm chồi, trong khi lá cũ rụng dần, cây tắc dần trở nên sung mãn khi khoác lên mình bộ cánh mới. Nếu lúc này có những nụ “lạc hậu” nhú theo phải ngắt bỏ để cây tập trung dưỡng đọt và ngăn ngừa trái so le về sau. 

    Khi đọt tắc mới ra được khoảng 15 lá thì tiến hành ngắt bỏ đọt kèm 5 lá đầu cành. Chờ non tháng sau, khi các vết thương đầu cành teo nhỏ và toàn bộ số lá trên cành qua độ bánh tẻ thì tiến hành “xiết nước” cho cây ra hoa. Cụ thể là dỡ lưới che phủ, không tưới nước, phơi vườn 5 – 10 ngày (hoặc hơn nữa) cho đến khi bộ lá tắc mềm rủ (ban ngày rủ ban đêm tươi) sẽ tưới nước và phân cho cây bung tược, cùng lúc đâm nụ. Hoa tắc sẽ bung nở rất nhiều và đồng loạt. 

    Sau khi trái tắc lớn bằng lóng út tay em bé sẽ tưới phân cân đối, mỗi tháng mỗi lần đều đặn để cây dưỡng trái lớn và đồng đều. Các loại phân chuyên dùng cho cây có múi (từng giai đoạn sinh trưởng) phù hợp với tắc cảnh. Ngoài trái đẹp, quất, tắc cảnh cần có bộ lá đẹp. Theo các cơ sở làm tắc kiểng, bộ lá quất, tắc đẹp không quá nhiều lá, lá dày dặn và không quá lớn sẽ cân đối “phơi trái” và hỗ trợ trái tươi lâu liên quan chế độ tưới nước, dùng phân, trong đó chú ý lân và kali.

    MINH TUẤN

    Recommended For You