Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm giống cá cảnh cả nước

    Trong nhiều năm qua, sản xuất và kinh doanh cá cảnh TP.HCM phát triển vượt bậc. Với nhiều kết quả và thành tựu đã đạt được, TP.HCM trở thành trung tâm giống cá cảnh của cả nước.

    Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, sản lượng cá cảnh xuất khẩu đầu năm 2019 đạt 9,304 triệu con (tăng 5,6% so cùng kỳ), kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đạt 11,486 triệu USD (tăng 6,3% so cùng kỳ)… Hiện nay, cá cảnh TP.HCM đã xuất khẩu sang 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu chiếm gần 60%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ, Nam Phi.

    Từ đầu những năm 2000, TP.HCM là địa phương đầu tiên cả nước xác định cá cảnh là vật nuôi chủ lực trong nền nông nghiệp đô thị. Thành phố đã có chủ trương, chính sách để nghề này phát triển, như quy hoạch làng nghề cá cảnh dọc sông Sài Gòn ở hai xã Phú Hòa Đông và Trung An (huyện Củ Chi); tổ chức Festival sinh vật cảnh lần đầu tiên cả nước vào năm 2006, thực chất là từ nền tảng cá cảnh nên mới có tên AQUAVINA 2006.

    Trước đó, Hội cá cảnh TP.HCM cũng đã được thành lập, sau đó là Tạp chí Cá cảnh của hội được xuất bản, đã tạo làn sóng mới trong việc tập hợp những người nuôi hay yêu thích cá cảnh thuộc nhiều tầng lớp với những sinh hoạt định kỳ.

    TP.HCM đã hình thành nên thế mạnh là thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo các loài cá cảnh nhập nội như cá chép Nhật, cá ông tiên, cá dĩa…, cũng như sản xuất cá bản địa phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

    Đặc biệt, cũng trong thời gian qua, Trung tâm khuyến nông thành phố đã nghiên cứu sinh sản được 3.000 con cá neon Việt Nam giống, bước đầu nghiên cứu sinh học sinh sản, xây dựng quy trình kỹ thuật thuần dưỡng trong điều kiện nuôi nhân tạo cá thủy tinh được khai thác từ tự nhiên, nâng tỷ lệ sống từ 25% lên 70%… Đây được xem là bước đột phá mới, góp phần nâng cao chất lượng giống cá cảnh thành phố.

    D.T

    Recommended For You