Tiến sĩ Phạm Hồng Bắc, chuyên gia giáo dục Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục AES cho biết, hiện còn hơn 2 tháng nữa thí sinh sẽ bước vào kì thi Tốt nghiệp THPTQG 2024, đây là khoảng thời gian học sinh cần tập trung và ôn tập theo nội dung, tránh dàn trải hay lan man.
Ngoài ra, tập trung làm quen với đề thi, nắm rõ cấu trúc đề và biết cách phân bổ thời gian làm đề hợp lý.
Nắm chắc cấu trúc đề minh họa môn Ngữ Văn kỳ thi THPT 2024
Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất trong số các môn thi tốt nghiệp THPT 2024. Vì thế, thí sinh cần nắm chắc cấu trúc đề thi môn Ngữ văn để có chiến thuật làm bài hiệu quả nhất.
Đề minh họa môn Ngữ Văn thi tốt nghiệp THPT 2024 vẫn giữ nguyên hình thức thi tự luận với thời lượng 120 phút, cấu trúc bài thi không thay đổi so với năm 2023, có tính vừa sức, đảm bảo tính phân loại cao.
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn 2024 gồm hai phần: Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (10 điểm).
Trong phần làm văn sẽ gồm có một câu nghị luận xã hội (2 điểm) và một câu nghị luận văn học (5 điểm). Ma trận đề đi từ nhận biết đến vận dụng cao, với số lượng câu phân bố phù hợp.
Học sinh nên sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống một số phạm vi kiến thức
Đọc hiểu là phần chiếm 3 điểm trong đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT, thí sinh nắm vững cấu trúc và phương pháp làm bài có thể lấy điểm tối đa.
Ở câu nhận biết, học sinh nên sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống một số phạm vi kiến thức như: Phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, hình thức lập luận, nội dung chính của đoạn văn, thể thơ… Các câu hỏi xuất hiện trong đề thi những năm qua thường liên quan đến thể thơ, phương thức biểu đạt. Học sinh cần hiểu nội dung của đoạn ngữ liệu và áp dụng kiến thức cơ bản mình đã học được để giải quyết vấn đề yêu cầu đặt ra.
Câu thông hiểu, học sinh cần hiểu được những từ ngữ, hình ảnh, hay một nội dung nào đó được tác giả đề cập đến trong ngữ liệu. Nên gạch chân từ khóa ở câu hỏi để trả lời trọng tâm, chính xác, ngắn gọn, tránh dài dòng lan man.
Đối với câu vận dụng thấp, đây thường là dạng để kiểm tra khả năng đọc hiểu một nội dung, khía cạnh trong ngữ liệu. Các thí sinh cần trả lời đúng trọng tâm nội dung được đề cập, có thể diễn đạt từ 3 đến 5 câu sao cho đầy đủ ý.
Cuối cùng, câu vận dụng thấp thường là câu hỏi mở, thí sinh có thể được tự do trả lời. Câu hỏi có thể yêu cầu rút ra một thông điệp có ý nghĩa với bản thân; nhận xét tình cảm của tác giả được thể hiện qua ngữ liệu hay bản thân có đồng tình với một nhận định nào đó hay không. Lưu ý rằng phần trả lời cần gọn gàng, có chính kiến và biết lập luận.
Phần đọc hiểu chiếm 30% điểm toàn bài thi, vì thế, học sinh cần tập trung cao, trả lời gọn gàng, chính xác; và khi làm bài thi chỉ nên làm trong 20-25 phút, đừng mất nhiều thời gian cho phần này mà không đủ giờ làm cho các câu còn lại. Cách trình bày khoa học, sáng tạo và cá tính sẽ là điểm cộng khi làm những phần này.
Các ý “chốt” sẽ là một điểm nhấn làm bài viết chặt chẽ hơn
Phần Làm văn có hai yêu cầu. Với đoạn văn nghị luận xã hội, dung lượng khoảng 200 chữ, thường có kiến thức và phạm vi đề thi xoay quanh ba chủ đề: Nghị luận về các vấn đề thuộc về tư tưởng, đạo lí; nghị luận vấn đề thuộc hiện tượng đời sống và nghị luận vấn đề xã hội được đặt ra trong văn bản văn học (nghị luận tổng hợp).
Đề bài thường mong muốn thí sinh thể hiện được sự hiểu biết, trải nghiệm của bản thân về vấn đề; biết nhìn nhận cuộc sống thông qua nhiều góc độ, phương diện, từ đó đưa ra ý kiến, quan điểm cá nhân, giải pháp; sử dụng thao tác lập luận phù hợp.
Câu Nghị luận văn học thường là câu chiếm điểm số cao nhất trong bài thi (5 điểm). Đây là dạng bài viết nghị luận về các tác phẩm văn xuôi và thơ. Các thí sinh cần hệ thống các tác phẩm văn học theo chủ đề. Có thể hệ thống như sau:
Với chủ đề thơ ca kháng chiến chống Pháp gồm có các tác phẩm: Tây Tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu); thơ ca thời chống Mỹ cứu nước: Sóng (Xuân Quỳnh), Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm).
Chủ đề văn xuôi có truyện ngắn: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Vợ nhặt (Kim Lân); Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu); các tác phẩm ký gồm: Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân); kịch: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).
Trong đó, một số kiến thức học sinh cần nắm chắc trong quá trình ôn tập như: Tác giả, hoàn ra đời tác phẩm, chủ đề, phong cách nghệ thuật của tác giả, nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, vai trò vị trí của tác giả đối với nền văn học Việt Nam.
Ngoài ra, học sinh cần nắm vững giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, tình huống truyện với các tác phẩm truyện. Các thí sinh thường chủ quan, bỏ qua phần kết luận. Tuy nhiên, các ý “chốt” sẽ là một điểm nhấn làm bài viết chặt chẽ hơn rất nhiều.
Luyện đề, chữa kỹ đề, học từ những lỗi sai là một cách học hiệu quả
Thí sinh cần tích cực ôn tập, rèn luyện với đề để nâng cao kỹ năng và tốc độ làm bài. Chỉ khi có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, các em mới có được sự tự tin, chủ động trong mọi tình huống. Luyện đề, chữa kỹ đề, học từ những lỗi sai là một cách học hiệu quả. Không nên chạy theo số lượng đề, các em nên quan tâm mình rút được kinh nghiệm gì để đề sau tốt hơn đề trước.
Chiến thuật ôn thi môn Ngữ văn hiệu quả
Trong quá trình ôn luyện ở 2 tháng cuối này, các thí sinh cần tập trung ôn luyện những dạng bài có trong chương trình, bám sát chương trình, tránh mất thời gian ôn tập những nội dung, dạng bài đã được công bố giảm tải mà trước đó Bộ GD&ĐT đã ban hành.
Mỗi học sinh cần xây dựng cho mình những khung thời gian hợp lý để ôn tập. Đồng thời, cần phải chia đều thời gian để học và ôn tập các kiến thức các môn trong khối thi của mình, tránh trường hợp học lệch để điểm thi đạt được có thể là cao nhất.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ